Rất nhiều biển cấm, biển báo nhưng người dân vẫn vô tư xuống tắm tại hồ Linh Đàm. Ảnh: Chí Cường |
Thông thường, cứ khoảng 16 - 17 giờ hàng ngày, khi trời bắt đầu dịu nắng là hàng chục người dân đổ xô ra hồ Linh Đàm tắm, chủ yếu là các hộ dân sống xung quanh khu vực hồ. Nhiều người khi được hỏi, chủ quan cho rằng, dẫu biết mực hồ nước sâu nhưng họ biết bơi và đã mang can nhựa để phòng hộ nên không lo lắng. Thậm chí, có người vẫn vô tư bơi ra giữa hồ mà không mặc áo phao. Khi đó, đứng trên bờ chỉ nhìn thấy hình dáng của họ thấp thoáng như đốm nhỏ giữa hồ, nếu xảy ra sự cố khó lòng ứng cứu kịp thời.
Hồ Linh Đàm sau khi cải tạo có cảnh quan sạch đẹp, nước trong xanh, trở thành điểm nhấn của khu dân cư xung quanh. Tuy nhiên, hồ này được nhiều người mệnh danh là "hồ tử thần" vì nhiều năm trở lại đây, năm nào cũng xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Gần đây nhất, vào ngày 15/7 xảy ra một vụ đuối nước và người đàn ông 30 tuổi đã thiệt mạng khi bơi ở hồ Linh Đàm.
Nhận thức được sự nguy hiểm của tình trạng này, xung quanh hồ Linh Đàm được cắm rất nhiều biển cấm, biển báo như: “Cảnh báo nguy hiểm nước sâu”, “Không an toàn khi bơi – tắm”, “Cấm bơi”... Tuy nhiên, các biển cảnh báo nguy hiểm dường như không có tác dụng khi những “bãi tắm” tự phát được hình thành ngay tại khu vực cắm biển cấm. Trong khi đó, gần như không thấy có vai trò kiểm tra, nhắc nhở, xử lý của chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng.
Dẫu biết thời tiết nắng nóng sẽ rất ngột ngạt, khó chịu, trong khi nhiều bể bơi ở các khu dân cư, trung tâm thể thao… chưa đáp ứng được nhu cầu, song không vì thế mà người dân ra tắm ao hồ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, vai trò của chính quyền cơ sở cũng rất quan trọng. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tắm hồ, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, cấm người dân ra đây tắm, thậm chí là xử phạt nếu vi phạm. Có như vậy, mới phát huy được tác dụng của biển cấm cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và an ninh trật tự tại khu vực.