Hiệu ứng lan tỏa ngày càng lớn
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ-Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Phùng Minh Sơn cho biết: Sau 2 năm triển khai Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (ĐHTT, NTVT), cuộc thi năm 2017 đã tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa với thành phần tham gia được mở rộng, đa dạng. Ngoài các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức chính trị xã hội đã phát động tới các hội viên tham gia, còn có nhiều cá nhân ở cơ sở xã, phường cũng chủ động viết bài về những tấm gương tiêu biểu trong đơn vị, ở khu dân cư...
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức tốt Cuộc thi năm 2017. |
Đây có thể coi là thành công lớn nhất để có thể nhân rộng những tấm gương tiêu biểu trong xã hội, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, góp phần tác động đến nhận thức, tình cảm của nhiều tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhân ái trong xã hội… Cuộc thi đã được các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc TP triển khai sâu rộng đến từng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, đơn vị cơ sở và được cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình tham gia, với nhiều bài viết có tính mới, bám sát cuộc sống… Cụ thể, cuộc thi đã nhận được 1.790 bài viết và tác phẩm báo chí, tăng 168,5% so với năm trước, của 85 đơn vị trực thuộc TP (bằng 54,5%), được lựa chọn từ gần 4.000 bài viết, tác phẩm dự thi ở cơ sở của hàng nghìn cá nhân toàn TP tham gia.
Công tác tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước và Cuộc thi cũng được coi trọng từ TP đến cơ sở, trong đó các cơ quan báo chí của Thủ đô và T.Ư đã tích cực dành nhiều tin, bài tuyên truyền và tham gia, đã phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng TP và Đài PT-TH Hà Nội tổ chức 22 chương trình tọa đàm “Những bông hoa đẹp Thủ đô”. Đài PT-TH Hà Nội mở chuyên mục “Người quanh ta”; Báo Kinh tế&Đô thị mở chuyên mục “Người tốt, việc tốt” trên cả báo giấy và báo điện tử, đã đăng được 120 bài viết về gương NTVT; Báo Hà Nội mới đăng gần 100 bài viết…
Đáng chú ý, “sư phối hợp hiệu quả, cân đối giữa mảng tác phẩm báo chí của các cây bút chuyên nghiệp với mảng bài viết của những tác giả không chuyên là CBCCVC và Nhân dân chính là nét sáng tạo của cuộc thi năm nay, trong đó tỷ lệ bài viết chiếm 86,4% tổng số bài viết và tác phẩm báo chí dự thi, cho thấy: Cuộc thi đã thu hút đông đảo thành phần xã hội tham gia, triển khai rộng khắp việc phát hiện ĐHTT, gương NTVT ngay từ cơ sở”, ông Phùng Minh Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe chia sẻ của một số đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí Thủ đô cũng như tác giả đoạt giải – những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của cuộc thi. Trong đó, tham luận chủ đề “Vai trò của báo chí trong việc phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT”, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: Với phương châm “Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu”, Ban Biên tập Báo đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức phóng viên đi cơ sở nhằm phát hiện và viết về các gương ĐHTT, NTVT, đăng gần 500 bài viết trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử Kinh tế &Đô thị, trong đó 8 tháng năm nay đăng gần 100 bài. Từ đó, Hội đồng giám khảo của Báo đã chọn được hơn 30 gương điển hình NTVT để đề nghị Ban Thi đua Khen thưởng TP đề xuất khen thưởng đột xuất cho các cá nhân NTVT. Còn theo chị Lưu Bích Hường (Đài PT&TH Hà Nội)-cá nhân tác giả đạt giải Nhất cuộc thi, phong trào viết về những gương ĐHTT, NTVT tại Thủ đô đã “giúp chúng ta luôn cảm thấy cuộc đời này vẫn còn thật nhiều câu chuyện truyền cảm hứng sống tích cực, thay vì hàng trăm thông tin tiêu cực mà chúng ta phải tiếp nhận mỗi ngày”.
Tạo bước chuyển mới, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Từ kết quả đạt được và khắc phục hạn chế sau 3 lần tổ chức, tại Hội nghị, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Phùng Minh Sơn thay mặt Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đã chính thức phát động cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, NTVT” năm 2018. “Các cơ quan, đơn vị, CBCCVC và mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô cần tiếp tục hưởng ứng tích cực triển khai cuộc thi, qua đó tạo một bước chuyển biến mới về phong trào NTVT của Thủ đô, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, góp phần tạo niềm tin phấn khởi và động viên mọi tầng lớp Nhân dân cùng các cấp chính quyền thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018 của Thủ đô”, ông Sơn nói.
Biểu dương các cá nhân, tập thể được trao giải tại Cuộc thi cũng như những tấm gương NTVT được phản ánh trong các tác phẩm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Cuộc thi năm 2017 đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của dư luận xã hội cũng như đông đảo cơ quan báo chí và đặc biệt có nhiều tác giả không chuyên, với số lượng lớn, gần 1.800 tác phẩm dự thi. Thực tế, có rất nhiều nhân vật được phản ánh trong các tác phẩm là những tấm gương có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu trong cuộc thi năm tới, các lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương của TP cần xác định, đây không đơn thuần chỉ là một cuộc thi mà nếu được tổ chức tốt thì sẽ là cách thức rất hữu hiệu để tuyên truyền, phát hiện những cái hay; giải pháp tạo sự lan tỏa một cách tự nguyện về những điều tốt đẹp trong xã hội. Trước hết, cần xác định tổ chức cuộc thi là một việc làm quan trọng để tạo sự đồng thuận xã hội, không khí thi đua và nhất là động lực trong công tác; cần gắn cuộc thi với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; với cán bộ đảng viên thì gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn đảng.
Thứ hai, Hà Nội có hệ thống cơ quan báo chí hùng hậu, đông đảo cán bộ phóng viên, cộng tác viên, nên cần quan tâm đổi mới phương thức đưa thông tin về các gương NTVT, sao cho phong phú đa dạng, cập nhật với xu thế hiện nay hơn, nhất là cần khai thác hiệu quả mạng xã hội. Các tin hot, tin giật gân… lan rất nhanh trên mạng xã hội, nhưng tin tốt thì rất hạn chế, nên cần sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác này.
Thứ ba, đề nghị đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chấm giải Cuộc thi, vì đây là hình thức thi đặc biệt. Trong đó, chất lượng về văn phong, hình thức thể hiện không phải tiêu chí quan trọng nhất, mà cần tính đến yếu tố về sức lan tỏa của nhân vật được phản ánh, làm sao để nhân vật có sức lan tỏa, sức hấp dẫn và thuyết phục lớn nhất với cộng đồng. Ban Tổ chức và các cơ quan cần tận dụng được tối đa kết quả của cuộc thi hết sức ý nghĩa này, để cuộc thi có hiệu ứng tích cực, để cái tốt thực sự là dòng chảy chủ đạo trong cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của Thủ đô.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho 13 tập thể, 4 cá nhân có thành tích tổ chức thực hiện tốt Cuộc thi năm 2017 (trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị); tặng 39 giải thưởng cho các tác phẩm, tác giả đạt giải trong Cuộc thi năm 2017, gồm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích (trong đó Báo Kinh tế&Đô thị có tác giả Thanh Bình đạt giải Ba, tác giả Hồ Hạ và tác giả Nam Trần đạt giải Khuyến khích). |