Đẩy mạnh hợp tác
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, TP hiện chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu của người dân trên địa bàn về gạo, thực phẩm, rau củ quả... Số lượng lương thực, thực phẩm còn lại chủ yếu được khai thác ở các tỉnh, TP vùng ĐBSH lân cận và các địa phương phía Nam.
Không chỉ đẩy mạnh khai thác hàng hóa, ngành công thương Hà Nội còn đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh ĐBSH. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Những năm vừa qua, bên cạnh việc khai thác nông sản, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội, Hapro còn tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị Hapro Mart tại tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Thông qua hệ thống siêu thị này, Hapro đã mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm do Hà Nội và các địa phương trong vùng sản xuất.
Thực tế cho thấy, hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, TP vùng ĐBSH gần đây đã được ngành công thương Hà Nội hết sức quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hợp tác với các tỉnh, TP: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng mua bán, cung ứng hàng hóa hai chiều. Đặc biệt là chú trọng tổ chức các phiên chợ Việt, qua đó thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Một điển hình thành công trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là hợp tác với tỉnh Bắc Giang để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm "gà đồi Yên Thế".
Cùng với việc việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm, các DN Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất tại một số địa phương khu vực ĐBSH. Đến nay, DN TP đã đầu tư 450 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 30.550 tỷ đồng, sử dụng khoảng 30.000 lao động và trên 2.000ha mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, TP trong vùng. Hà Nội cũng đã di chuyển 35 DN sang đầu tư, mở rộng sản xuất tại các địa phương khác ở ĐBSH, từ đó góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tại các tỉnh, TP này.
Không thể hợp tác đơn lẻ
Mặc dù hợp tác thương mại giữa Hà Nội với các địa phương vùng ĐBSH đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, hoạt động này mới dừng ở một số dự án mà Hà Nội hỗ trợ theo yêu cầu các địa phương, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong thu hút đầu tư…
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, sự phối hợp tiêu thụ sản phẩm, đầu tư sản xuất giữa Hà Nội với các tỉnh, TP vùng ĐBSH cũng như giữa các địa phương với nhau chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh vốn có. Nhiều DN ngành công thương Hà Nội có chung phản ánh: Trong quá trình hợp tác, không phải lúc nào DN cũng được ngành chủ quản tạo điều kiện. Đôi khi vẫn phải hoạt động theo ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý, dẫn đến việc liên kết không thu được kết quả như mong muốn.
Việc thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại giúp Hà Nội tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận. Ảnh: Thu Hương.
|
Các chuyên gia cho rằng, trong xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, các cơ quan quản lý cần tham vấn ý kiến của DN và nắm bắt được những nhu cầu của DN, từ đó tạo điều kiện để DN liên kết, hợp tác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết, ngành công thương các tỉnh, thành cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để DN các địa phương thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, gắn kết với nhau trong sản xuất và hoạt động thương mại. Đồng thời, đề xuất ban hành những cơ chế chính sách có thể thúc đẩy sự phát triển ngành công thương vùng ĐBSH, từ đó tạo điều kiện cho các DN tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh đầu tư.
Như vậy, để hoạt động liên kết vùng không chỉ là khẩu hiệu, Sở Công Thương Hà Nội và ngành công thương các tỉnh, TP khác trong vùng ĐBSH nâng cao hiệu quả phối hợp, khai thác được lợi thế và tiềm năng của từng địa phương để bổ sung cho nhau, qua đó hình thành chuỗi giá trị khu vực.