Song, việc có tận dụng và hiện thực hóa được lợi ích của CPTPP hay không phụ thuộc rất lớn vào việc Việt Nam có thể đẩy nhanh và làm tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới thể chế, mô hình tăng trưởng có phù hợp với tốc độ mở cửa trong CPTPP hay không.
Đòi hỏi cấp thiếtVề mặt nội dung, CPTTP đều là các cam kết tiêu chuẩn cao, theo các xu hướng, thông lệ mới của thế giới, thậm chí vượt lên trên các tiêu chuẩn của WTO mà Việt Nam hiện nay đang áp dụng. Ví như câu chuyện “nguồn gốc xuất xứ” đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vào các nền kinh tế thành viên CPTPP đã luôn được nhấn mạnh. Đó là, các nước sẽ chỉ có thể có được mức thuế suất ưu đãi theo Hiệp định khi các mặt hàng xuất khẩu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên CPTPP. Giải pháp cho câu chuyện này là Việt Nam phải chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước. Theo TS Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), đây lại chính là một điểm yếu cố hữu của kinh tế Việt Nam, mà nếu không sớm cải cách sẽ dẫn đến hệ lụy là suy giảm lợi ích của CPTPP.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban, ngành của Việt Nam. Việt Nam sẽ phải sửa đổi hàng loạt quy định trên nhiều lĩnh vực về cạnh tranh, về môi trường, lao động, mua sắm công, DN nhà nước… “Chúng tôi rất trông chờ các bộ, ngành sớm có kế hoạch rà soát, đánh giá hệ thống văn bản, nhưng vẫn phải nhắc đến yêu cầu minh bạch và trách nhiệm của các bộ, ngành trong công việc này” - bà Trang chia sẻ.
Cải cách theo cơ chế thị trườngChuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho rằng, đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ bởi thể chế rộng hơn rất nhiều nên những nỗ lực đó mới chỉ là bước đầu, vẫn cần phải đi sâu vào cải cách thể chế để thực sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao.
“Khác với giai đoạn 2016 trở về trước, hiện nay cải cách lại phải đi trước quá trình hội nhập, cải cách chính là động lực cho DN. Theo đó, bên cạnh tiếp tục có biện pháp thực tế nhằm cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, đồng thời có những chính sách khác nhằm ứng phó kịp thời với những cú sốc bất lợi, xử lý thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc làm cách nào để gắn kết hơn người lao động với cộng đồng DN, đây là những vấn đề mang tính kỹ thuật nhưng có tính lâu dài” - TS Thành nói.
Chia sẻ quan điểm, TS Nguyễn Anh Dương cho rằng, DN tư nhân vẫn còn yếu, quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề khởi nghiệp, hỗ trợ DN phát triển, DN phụ trợ, DN vừa và nhỏ. Xét về hàng rào thuế, năng lực cạnh tranh thì những hiệp định tự do song phương này đang đặt ra thử thách rất lớn đối với Việt Nam, chứ không phải riêng CPTPP và càng áp lực thì DN Việt Nam càng nâng được sức cạnh tranh, còn nếu chúng ta càng bảo hộ thì sẽ càng thất bại. "Tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và phải thực hiện đầy đủ các quy luật của thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường. Và đã thị trường thì phải công khai, minh bạch, bình đẳng" - ông Dương chia sẻ.
Thứ hai, tái cơ cấu, không dựa trên mô hình lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thô, tăng trưởng dựa vào vốn mà không dựa vào năng suất, đặc biệt là công nghiệp gia công còn tồn tại. Chính vì vậy, phải chuyển đổi, tái cơ cấu, tăng cường chế biến tài nguyên, nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng; tăng trưởng, phát triển dựa trên năng suất. Có thể thấy, nước nào dựa vào nguồn nhân lực và đào tạo là thành công, Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình.