Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để di sản không đội nón ra đi

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng kể từ ngày Bộ VHTT&DL có quyết định thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội), hàng loạt dấu tích, hiện vật minh chứng cho quá trình lịch sử dựng nước hơn 3.000 năm tiếp tục được phát lộ.

Vậy nhưng, suốt 10 năm qua, câu chuyện về bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích tiền sơ sử hiếm hoi của Thủ đô vẫn chỉ được đem ra bàn đi, tính lại.
3 phương án bảo tồn
Ngày 22/10, Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo Báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học di chỉ Vườn Chuối năm 2019. Tại Hội thảo, PGS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã trình bày 3 phương án bảo tồn di chỉ này.
  Hố khai quật khảo cổ học tại Khu di chỉ Vườn Chuối năm 2019. Ảnh: Lại Tấn
Phương án 1 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ khu di chỉ Vườn Chuối gần 12.000m2. Phương án 2 là dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện.
Phương án 3 là bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối… với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.
Trong số 3 phương án, phương án 1 được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử ủng hộ hơn cả. Vì Hà Nội hiện nay còn rất ít di tích khảo cổ tiền sơ sử còn dấu tích nguyên vẹn có thể phục vụ cho nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên.
Thực tế, số lượng di tích khảo cổ học tiền sơ sử có thể minh chứng cho hơn 3.000 năm lịch sử, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội còn không nhiều. Lần lượt các khu di tích tại Cổ Loa, Đình Tràng (Đông Anh) hay Mê Linh đều bị lấp, xây dựng cơ sở vật chất phát triển nhu cầu dân sinh, kinh tế.
Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – chuyên gia khảo cổ học đã khai quật tại di chỉ Vườn Chuối từ năm 2009: “Cho đến nay, TP Hà Nội gần như không có một vị trí khảo cổ học tiền sơ sử nào được bảo tồn, khai thác giá trị một cách hữu hiệu. Ngoài Hoàng thành Thăng Long, tôi thấy rằng đã đến lúc báo động cho việc chúng ta nghĩ Hà Nội nhiều di sản nhưng trên thực tế các di sản lần lượt đội nón ra đi”.
Làm rõ giá trị để xếp hạng
Nhận thức rõ giá trị của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đều mong muốn giữ gìn nguyên vẹn khu vực này. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của Thủ đô, một số nhà khoa học cũng đề xuất bảo tồn một phần, xây dựng bảo tàng, trồng cây để xây dựng công viên. Thế nhưng, để có thể thực hiện được ý tưởng trên, cần chủ trương, chính sách, một “cú đấm thép” từ Nhà nước và một nguồn kinh phí không nhỏ.
Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thông: “Di chỉ Vườn Chuối bắt đầu khai quật từ năm 1969. Trải qua 8 lần khai quật, nếu chúng ta có kết quả, khoanh vùng bảo vệ trước khi các dự án triển khai thì việc thực hiện phương án bảo tồn toàn vẹn rất dễ.
Hiện tại, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã nằm trên dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Đức, có đường giao thông 3.5 và khu đô thị. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án tối ưu nhất, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế vì huyện Hoài Đức có kế hoạch phát triển lên quận”.
Trong lúc hoàn thiện hồ sơ kết quả đợt khai quật năm 2019 và tìm phương án bảo tồn di tích nguyên vẹn hay một phần, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ VHTT&DL Trần Đình Thành đề nghị Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tập hợp quá trình khai quật để làm rõ giá trị khoa học, giá trị di tích để xếp hạng.

Theo Viện Khảo cổ học, đợt khai quật này các nhà khảo cổ thu được 15 mộ, đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Sơ bộ, các nhà khai quật thu được hơn 1.000 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hiện vật khác. Công cụ lao động như rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới. Đồ trang sức như mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi, vật đeo. Khoảng 40 hiện vật đồ đồng như công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu), vũ khí và các hiện vật khác...