“Chiến tranh thương mại là tốt và Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng”, đó là khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái, thời điểm Washington bắt đầu áp vòng thuế đầu tiên lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lời tuyên chiến mới
Tiếp diễn lập trường đó, ông chủ Nhà Trắng hôm 6/5 đã có lời “tuyên chiến mới”. Đó là tăng từ mức 10% lên 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD kể từ thứ 6 tuần này. Tổng thống Mỹ ngay sau đó giải thích cho động thái này. Về lý thuyết, lập luận của ông có cơ sở khá vững chắc: Nếu Mỹ áp thuế 25% đối với các vật dụng nhập khẩu từ Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ chuyển sang mua các vật dụng rẻ hơn, chưa được đánh thuế từ một số quốc gia khác. Các công xưởng phụ tùng Trung Quốc sẽ phải giảm giá để giữ thị phần và cuối cùng phải trả một phần chi phí thuế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Tuy nhiên, phân tích của Bloomberg cho thấy lý thuyết này chưa hẳn chính xác khi áp vào mô hình thực tế. Một ví dụ trong ngành công nghiệp nội thất Mỹ đó là, khi Washington áp 10% thuế đối với đồ nội thất, cùng với một loạt các sản phẩm tiêu dùng khác vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ vẫn nhập khoảng một nửa đồ nội thất từ Trung Quốc. Trong khi đó, giới bán lẻ Mỹ vẫn tồn kho trong vòng 3-4 tháng.
Phản tác dụng?
Lý giải việc này, giới kinh tế nhận định, các nhà bán lẻ Mỹ có thể sẽ lo lắng về động thái tăng thuế, nhưng động thái ban đầu của họ sẽ là ngay lập tức tăng giá.
Thứ nhất, các nhà bán lẻ thường muốn nâng giá lên mức vẫn đủ để cạnh tranh. Thứ hai, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cẩn thận chỉnh sửa danh sách các dòng sản phẩm bị đánh thuế, theo đó đảm bảo không có sự xuất hiện của các mặt hàng thường xuyên mà nếu bị tăng giá sẽ gây sốc và khiến người tiêu dùng Mỹ nổi giận. Do đó, các nhà bán lẻ nội thất có thể khá tự tin rằng biến động giá không phải vấn đề với người tiêu dùng.
Một số quan điểm cho rằng hiệu ứng này sẽ không kéo dài. Nếu các nhà bán lẻ đồ nội thất của Mỹ phải đối mặt với tác động từ thuế quan lên hàng nội thất nhập từ Trung Quốc, họ có thể chuyển sang các nhà cung cấp thay thế ở Mexico, Việt Nam hoặc Malaysia. Điều đó phải dẫn đến việc các nhà máy Trung Quốc phải “trả giá” cao hơn vì thuế, do các nhà bán lẻ gây áp lực buộc họ phải hạ giá nếu muốn giữ thị phần.
Vấn đề là, chuyển đổi lựa chọn của một ngành công nghiệp trị giá 38 tỷ USD (nội thất) sang một quốc gia mới chỉ sau một đêm là không hề đơn giản. Các nhà máy sản xuất nội thất Mexico, Việt Nam và Malaysia khó có thể ngay lập tức “thế chân” cho Trung Quốc, trong bối cảnh tổng kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ từ 3 quốc gia này chỉ bằng một nửa kim ngạch thương mại với Trung Quốc. Ngành công nghiệp này là ví dụ điển hình cho mọi phương thức vận hành của các ngành hàng khác một khi Mỹ tăng thuế lên hàng Trung Quốc.
Một nhóm các nhà kinh tế của FED hồi tháng 3 cũng khẳng định, những hậu quả từ lượng thuế do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc cho đến nay – ước tính khoảng 1,4 tỷ USD/tháng - rơi vào người tiêu dùng trong nước. Một nghiên cứu của chuyên gia Pablo Fajgelbaum thuộc Đại học California, Los Angeles tháng 9 năm ngoái cho kết quả tương tự. Các tiêu chuẩn thương mại của Mỹ ở mức cao, nhưng đã giảm dần kể từ quý II/2018, ngay trước khi vòng thuế đầu áp lên Trung Quốc.
Tuyên bố của vị tổng thống cũng ngay lập tức đẩy cao kỳ vọng rằng đàm phán thương mại giữa hai bên trong tuần này là “cửa cuối” cho một biện pháp hòa giải. Giới quan sát coi tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ là phương thức gây áp lực lên đối phương trước đàm phán, chiến lược mà chính quyền Trump thường xuyên sử dụng. Nhưng bước đi này cũng có thể phản tác dụng. Bởi ngay sau tuyên bố trên, Bắc Kinh đã lấp lửng rằng nhà đàm phán hàng đầu – Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể hủy chuyến đi tới Washington, đe dọa vòng bàn thảo thương mại tiếp theo giữa hai cường quốc.