Lắp ráp đồ điện gia dụng tại Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, Khu công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai. Ảnh: Thanh Hải |
Nhiều cơ hội tăng tốcẢnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới hoạt động của các DN. Trong 8 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ số DN thành lập mới giảm 8% về số DN, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. DN bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các DN siêu nhỏ và DN nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 90% số hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận, lao động bị cắt giảm, số người nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/9 - 8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với hai tuần trước, giảm 47,3% so với một tuần trước đó. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, cả nước đang cố gắng phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số nên tôi cho rằng việc Việt Nam có thể hạn chế được dịch bệnh trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể.Việt Nam có nhiều cơ hội để phục hồi nền kinh tế bởi trước hết Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64% là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU đều là các nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Điều này tạo cơ hội cho các DN Việt Nam trong việc xuất khẩu, tái chiếm lĩnh thị trường, giúp việc phục hồi kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, với việc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đặt quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu kép, ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là hướng đi vô cùng đúng đắn.Khơi thông nguồn lựcTrong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết làm cơ sở pháp lý áp dụng ngay các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội. Để chiến thắng đại dịch Covid-19 trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng khả năng chịu đựng của DN, nhằm tạo ra nguồn lực trong thời gian tới để hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể hồi phục.Chính phủ cần đưa ra thông điệp cụ thể, rõ ràng để DN yên tâm sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đặt mục tiêu an toàn trước dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sinh kế cũng như sức khỏe của người dân, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Song song với đó, phải có biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm và kế hoạch cho năm tới.Giải pháp đầu tiên mà Chính phủ và UBND TP Hà Nội cần làm đó là đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vaccine để chính quyền địa phương và DN, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.Mặt khác, cần hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.Cùng với đó, cần có chính sách giảm thuế thu nhập DN bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những DN, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính dẫn dắt, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.Bên cạnh các giải pháp, cơ chế chúng ta cần phải tính toán đến việc mở cửa thông thương với các thị trường. Kịch bản mở cửa cần đề ra các dấu mốc quan trọng như: Mở cửa trở lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vaccine. Mức độ mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Nếu chương trình tiêm vaccine được triển khai không nhanh, thời gian giãn cách kéo dài, có thể khiến nền kinh tế chịu thêm tác động nặng nề và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.