Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để du khách “một đi còn trở lại”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tính chung 4 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài khó khăn về kinh tế thì việc cải thiện môi trường du lịch ở Việt Nam cần được đặc biệt quan tâm như: quảng bá, tiếp thị, cải thiện cơ sở vật chất, dịch vụ...

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tại phiên họp toàn thể ngày 16/4, cho thấy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đầu năm 2013 có sự suy giảm, diễn ra chủ yếu ở các thị trường truyền thống và thị trường có khoảng cách xa về địa lý như Tây Âu, Bắc Mỹ…
 
Có nhiều nguyên nhân được nêu lên như giá dịch vụ du lịch tăng cao; chi phí thị thực nhập cảnh 1 lần vào Việt Nam tăng gấp đôi từ ngày 1/1/2013; tình trạng taxi dù, bán hàng rong ngang nhiên hoạt động, chèo kéo, lừa đảo và ép khách du lịch, tệ nạn xã hội và tội phạm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.
 
Đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch còn mỏng, chất lượng thấp, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. 
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch cho rằng cần xem xét, trình Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam tham quan du lịch như miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch đến từ một số thị trường trọng điểm (Nhật, Hàn Quốc, Liên bang Nga và 4 nước Bắc Âu), điều chỉnh thời hạn tạm trú của khách du lịch được miễn thị thực là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay hay thực hiện cấp thị thực tại cửa khẩu…
 
Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch như chính sách điều tiết giá để khuyến khích du lịch cạnh tranh, chính sách bảo hộ thương hiệu, tăng ngân sách Nhà nước cho hoạt động xúc tiến du lịch hay khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các trạm dừng nghỉ du lịch dọc các tuyến đường dẫn đến các trung tâm du lịch lớn. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa phương để chấn chỉnh các vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và khách du lịch.
 
Để du khách “một đi còn trở lại” - Ảnh 1
Nguồn: Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê
 
Lượng khách quốc tế tăng chậm
 
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua trong 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy tháng 1 là tháng có Tết Dương lịch nối tiếp với Noel cuối năm trước, là thời gian chuẩn bị có Tết cổ truyền của dân tộc, nên lượng khách đến Việt Nam đạt quy mô khá, cao hơn lượng khách đến trong tháng 12/2012 (614.700 lượt người) và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tháng 2 là tháng Việt Nam có Tết cổ truyền dân tộc, nên lượng khách quốc tế đến trong tháng này bị giảm (giảm 11,3% so với tháng trước và giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước).
 
 
Tuy nhiên, tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng so với tháng 2 (tăng 3%) và tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 1,6%); tháng 4 đạt 613.900 lượt người, tăng so với tháng trước (4,5%).
 
Như vậy, xu hướng tăng liên tục trong 2 tháng 3-4 là tín hiệu khả quan cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng dần tuy còn chậm. So với cùng kỳ năm trước, nếu 2 tháng giảm tới 9,6%, thì 3 tháng chỉ còn giảm 6,2% và 4 tháng chỉ còn giảm 5,3%.
 
Theo mục đích đến, khách đến du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 61,3%) và tháng 4 đã tăng 4,1% so với tháng 3.
 
Lượng khách đến vì công việc chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (chiếm 16,8% tổng số), trong tháng 4 đã tăng 3,2% so với tháng 3. Xu hướng tăng của nhóm này sẽ được tiếp tục, bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng khá cả về lượng vốn đăng ký (tăng 17%) và vốn thực hiện (tăng 3,9%).
 
Lượng khách về thăm thân nhân chiếm tỷ trọng lớn thứ ba (chiếm 16,6%), tháng 4 tăng khá so với tháng 3 (tăng 6,7%).
 
Lượng khách đến vì mục đích khác chiếm 5,3% tổng số và tháng 4 tăng 7,1% so với tháng 3.
 
Có 11 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam đông nhất trong 4 tháng (trên 80.000 lượt người) là CHND Trung Hoa (548.000 lượt người), Hàn Quốc (280.000), Nhật Bản (205.000), Hoa Kỳ (165.000), Australia (119.000), Đài Loan-Trung Quốc (116.000), Liên bang Nga (113.000), Campuchia (101.000), Thái Lan (89.000), và Pháp (80.000).
 
Trong đó có 6 thị trường có lượng khách tăng so với cùng kỳ năm trước (CHND Trung Hoa tăng 6,7%, Hàn Quốc tăng 2%, Australia tăng 6,8%, Liên bang Nga tăng 51%, Malaysia tăng 7,1%, Thái Lan tăng 32,5%); có 5 thị trường giảm (Nhật Bản giảm 3,3%, Hoa Kỳ giảm 6,9%, Đài Loan giảm 25,6%, Campuchia giảm 16,3%, Pháp giảm 6,4%).
 
Khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 82,3%, giảm 6,4%; đến bằng đường bộ đạt 348.000 lượt người, chiếm 14,4% và tăng 1,3%; đến bằng đường biển gần 79.000 lượt người, chiếm gần 3,3% và giảm 3,7%.
 
Tuy có xu hướng đông lên trong vài tháng nay, nhưng tính chung 4 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài những vấn đề có tính khách quan, như người dân của nhiều nước vẫn còn “thắt lưng buộc bụng”, thì việc cải thiện môi trường du lịch ở Việt Nam cần được đặc biệt quan tâm, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quảng bá, tiếp thị, cơ sở vật chất ngành du lịch, giá cả dịch vụ, chất lượng phục vụ và tính chuyên nghiệp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng đeo bám chèo kéo ở không ít điểm du lịch…