Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để gia đình không còn bạo lực

Lan Ngọc - Thúy Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 400 vụ bạo lực được can thiệp xử lý tại 437 câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình của Hà Nội hẳn là con số không nhỏ trong xã hội văn minh.

Những tiếng đánh chửi, loảng xoảng bát đĩa, đồ đạc từ những trận ẩu đả vợ chồng vẫn ẩn hiện đâu đó trong mái nhà của những phụ nữ bị chồng bạo hành.
Nước mắt không ngừng rơi

Đến Trung tâm bảo trợ xã hội số 3 (quận Nam Từ Liêm) hay Ngôi nhà bình yên ở 20 Thụy Khuê (quận Ba Đình), không thiếu những chuyện kể rớt nước mắt của người phụ nữ. Đã sinh hoạt tại Ngôi nhà bình yên được 3 năm, nhưng trong tâm trí chị N.T.M. (46 tuổi) ở huyện Hoài Đức vẫn chưa phai mờ những trận đòn của người chồng bạo lực. "Mỗi khi uống rượu, chồng tôi thường đấm và túm tóc tôi lôi ra ngoài ngõ, từ nhà ra ngõ là 15m, rồi cứ thế đá vào sườn tôi, thậm chí cả vào mặt. Có lần chồng tôi bóp cổ, tôi kêu lên thì ông ấy kéo tôi đến cạnh tủ lạnh, rồi lấy chai nước đã đóng đá đánh vào đầu và đấm tôi chảy máu mồm” – chị M. tâm sự.

Tranh phòng, chống bạo lực gia đình.

Cũng là nạn nhân của sự bạo hành, nhưng câu chuyện của chị N.T.S. (40 tuổi) ở quận Bắc Từ Liêm lại là một câu chuyện thương tâm về bạo hành tinh thần. Chồng chị S. đã theo dõi chị suốt hai năm, hằng ngày đều ghi rõ chị đi đâu, làm gì, mặc gì... Khi chị đi làm về là anh ta tra xét, nếu chị nói không đúng những gì anh ta đã theo dõi, sẽ bị mắng chửi, đánh đập. Không thể chịu được sự tra tấn dã man đó, chị xin ly hôn, nhưng sau khi ly hôn anh vẫn thường xuyên gửi vàng hương, thậm chí còn mang ảnh chân dung chị và bát cơm, quả trứng đến để trong giỏ xe chị ở cơ quan với ngụ ý nguyền rủa chị chết đi.

Chị Nguyễn Thị T. (huyện Gia Lâm) làm nghề bán rau, chồng sửa xe. Cuộc sống khó khăn nhưng anh chồng lại nghiện rượu. Những khi kiếm được kha khá tiền, anh ta liền tự “thưởng” cho mình một chầu rượu, uống đến say xỉn. Sau mỗi lần như thế, những trận đòn vô cớ lại trút xuống đầu chị, nhiều đêm sau khi đánh vợ thừa sống thiếu chết, anh ta còn làm nhục vợ trên giường. Nhưng vì xấu hổ, chị T. cứ âm thầm chịu đựng, chỉ đến khi bị chồng đánh liệt giường suốt một tháng, chị mới dám tố cáo với chính quyền địa phương rồi xin sống nương nhờ tại Trung tâm bảo trợ xã hội 3.

Bạo lực vẫn gia tăng

Nếu như trong năm 2016, toàn TP có hơn 300 vụ bạo lực gia đình được thống kê, thì tính đến cuối tháng 10/2017, con số này đã lên đến hơn 400 vụ - con số đáng buồn ở một xã hội văn minh, luôn kêu gọi bình đẳng giới. Bạo lực gia đình có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi với 58% phụ nữ trên cả nước đã từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực trong đời. Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cho thấy, có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Ngọc Tiến, bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp dù trình độ dân trí ngày một cao là bởi người dân chưa tiếp cận được nhiều với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Muốn tạo thay đổi, điều cần nhất là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức. Ở giữa trung tâm Thủ đô, nhưng rất nhiều người phụ nữ không biết sẽ xử lý thế nào khi bị chồng đánh đập, hành hạ hoặc cưỡng ép quan hệ tình dục. Nhiều người còn cho rằng, hầu hạ chồng là nghĩa vụ của người vợ. Chính vì thiếu am hiểu luật pháp và nhận thức của người phụ nữ còn hạn chế nên con số về bạo lực gia đình không ngừng gia tăng.

Xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL xây dựng, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong khuôn khổ Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL xây dựng, triển khai trong năm 2017 bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực gia đình; chủ trì tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Theo quan điểm của TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, "khi xây dựng bộ tiêu chí, nhất thiết phải lưu ý đến vấn đề đối xử của người chồng với người vợ. Và hơn nữa, bộ tiêu chí ứng xử này còn phải bao quát cả việc đưa ra cách ứng xử, giải quyết về tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người... có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình".

Dự kiến trong năm 2017, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ hoàn thành. Sau khi ra đời, triển khai đến từng địa phương, nhiều người kỳ vọng, Hà Nội sẽ là đơn vị phát huy vai trò của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhằm nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ về quyền lợi và những quy định bảo vệ mình.