Để Hà Nội là thành phố đáng sống

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa 60%, Hà Nội đang đứng trước tốc độ đô thị hóa nhanh.

Điều này đã và đang gây áp lực mạnh mẽ đối với môi trường, nhất là môi trường không khí. Đáng chú ý, phương tiện giao thông, hoạt động vận tải được coi là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất (chiếm từ 70 - 90%).

Ô nhiễm bụi cao gấp đôi quy chuẩn

Không chỉ gánh chịu nỗi khổ ô nhiễm từ rác thải, nước thải, tiếng ồn, người dân Hà Nội đang hàng ngày phải hứng chịu những trận “bão bụi” phát ra từ các công trình xây dựng, xe chở nguyên vật liệu, đốt rơm rạ, khói các khu cụm công nghiệp... Từ nhiều năm nay, hai bên tuyến đường Lê Văn Lương luôn có các công trình mới được xây dựng, kéo theo đó là một lượng bụi rất lớn làm ảnh hưởng môi trường không khí khu vực này. Hay như gần đây, dư luận bức xúc trước việc người dân sống hai bên tuyến đê Thúy Lĩnh dẫn vào cảng Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) phải khốn khổ chịu cảnh bụi tung trời bởi những đoàn xe quá tải chở cát, đá, gạch… băm nát mặt đường.

Hàng cây xanh được trồng mới trên đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, sự gia tăng các phương tiện ô tô và xe máy mới là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội. Thực tế cho thấy, tại các tuyến đường như Vành đai 3, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Tam Trinh… nơi có mật độ phương tiện tham gia đông luôn chìm trong khói bụi. Hiện, TP đang có 5,2 triệu xe máy, 470.000 ô tô, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 6,5 triệu xe máy và khoảng 600.000 - 700.000 ô tô, đến năm 2030 sẽ là 7,5 - 8 triệu xe máy và 1,9 triệu ô tô… Từ các con số này có thể thấy khả năng môi trường sẽ không gánh chịu nổi nếu không có giải pháp hiệu quả và quyết liệt ngay từ bây giờ.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đánh giá, mật độ dân số tăng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông kém là những nguồn gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Việc phát thải ô nhiễm không chỉ từ giao thông động mà còn đến từ giao thông tĩnh. Ô tô đỗ trên đường thường phát thải ra khí benzen - loại khí có thể gây ra bệnh ung thư và khuếch tán ra diện rộng.

Theo báo cáo do Tổ chức phi chính phủ GreenID thực hiện, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình của Hà Nội năm 2016 và đầu năm 2017 là 121, ở ngưỡng không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Lượng bụi PM2.5 trung bình năm lên tới 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Tạo lập môi trường sống bền vững

Đứng trước thực trạng môi trường đang ở trong điều kiện cấp bách và đáng báo động, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý. Nhất là từ năm 2016, các dự án, chương trình nhằm cải thiện chất lượng môi trường liên tiếp được triển khai. Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong năm 2016, Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào hoạt động 10 trạm quan trắc không khí. Trong năm 2017 sẽ lắp thêm 80 trạm nữa và đến năm 2020 sẽ lắp thêm 359 trạm trên toàn TP. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Hà Nội cũng đã khởi công dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá quy mô lớn với công suất 270.000m3/ngày đêm. Thường trực Thành ủy cũng vừa thông qua đề án cải tạo môi trường cho 80 làng nghề mà nguồn lực chủ yếu từ xã hội hóa. UBND TP cũng đã có các kế hoạch, chương trình về kiểm soát các phương tiện giao thông cá nhân tới đây sẽ trình HĐND TP...

“TP Hà Nội đã nỗ lực hành động bằng nhiều giải pháp nhưng tốc độ xử lý ô nhiễm môi trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Đó là nhận xét của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại cuộc họp giao ban về vấn đề môi trường với lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành TP mới đây. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 11 - NQ/TU ngày 31/5/2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo được Thành ủy Hà Nội ban hành vào ngày 31/5 vừa qua một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của Nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên giải quyết những nguyên nhân gây ô nhiễm lớn. Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, các cơ quan chức năng của TP cần có biện pháp quản lý giao thông hiệu quả để kiểm soát phát thải của các phương tiện tham gia giao thông và quy hoạch lại đô thị. Trong khi đó, TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, giảng viên Khoa Năng lượng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, cần phải có giải pháp thay thế nhiệt điện than bằng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội...

Để Nghị quyết số 11-NQ/TU đi vào cuộc sống, thực sự môi trường được cải tạo, Hà Nội là nơi đáng sống cho người dân và du khách thì từng cấp ủy, đơn vị sở ngành phải xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện một cách phù hợp với yêu cầu. Trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ yếu: Bảo vệ môi trường nước mặt để sử dụng bền vững tài nguyên nước; Quản lý có hiệu quả về chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt; Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở khu vực nội thành.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải