Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội thêm giàu đẹp

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Vượt qua bao khó khăn thử thách, Hà Nội đã phát triển không ngừng, trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, những tồn tại, trở lực trên bước đường đi tới cũng không hề nhỏ, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội phải nhận rõ chính mình, nỗ lực nhiều hơn nữa, để Hà Nội phát triển lên một tầm cao mới, giàu có, văn hóa, thanh lịch, xứng đáng với vị thế Thủ đô của đất nước.
Hơn 60 năm qua, cứ đến ngày này, mỗi người dân Hà Nội lại không khỏi xao xuyến, bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm của ngày Thủ đô giải phóng. Từng đoàn quân theo 5 cửa ô rầm rập tiến vào Hà Nội trong tiếng hò reo của Nhân dân mừng vui chiến thắng, đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ liên hiệp kháng chiến trở về, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, bắt đầu một thời kỳ mới - bắt tay xây dựng lại đất nước.
Từ một TP bị tàn phá trong chiến tranh, nay Hà Nội đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội đang đổi thay từng ngày, diện mạo TP khang trang hiện đại với hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, kinh tế trọng điểm được đưa vào khai thác. 
Thật đáng mừng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Thủ đô đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước; đóng góp 10% tổng sản phẩm GDP, 20% ngân sách cho quốc gia. Đời sống của Nhân dân không ngừng cải thiện; chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo của Hà Nội đứng đầu cả nước, nhiều lần được bình chọn là một trong những TP du lịch hấp dẫn với du khách quốc tế. 
Kỷ niệm ngày Thủ đô giải phóng là dịp để người Hà Nội tự hào về truyền thống nghìn năm văn hiến của mình, tự hào về những danh hiệu mà bạn bè thế giới đã dành cho là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; là “Thành phố vì hòa bình”, Thủ đô Anh hùng. Nhưng đây cũng là dịp để người Hà Nội nhìn lại chính mình mà ý thức hơn về trách nhiệm làm cho TP giàu đẹp hơn, văn hóa hơn, xứng đáng “là Thủ đô ta” như Bác Hồ thường căn dặn.  
Nhìn lại mình để thấy rằng Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Quy hoạch chưa theo kịp nhu cầu phát triển, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, môi trường ô nhiễm khói bụi, nước thải, quản lý đất đai, đô thị còn lỏng lẻo, xử lý úng ngập chưa tốt. Ngay những khu phố mới như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính… cũng kẹt xe, cũng ngập úng mỗi khi mưa; rồi những “nút cổ chai” chưa giải quyết xong gây khó khăn cho giao thông đi lại; Mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa được thực hiện như kỳ vọng. Những hạn chế, yếu kém đó đang là trở lực của sự phát triển, là thách thức đòi hỏi phải được giải quyết để Hà Nội vươn lên tầm cao mới.
Hà Nội phải chuyển mình từ những việc làm cụ thể, nhỏ nhất. Chuyển mình từ việc chấn chỉnh tác phong của CSGT đến thay đổi thái độ tiếp dân, giải quyết công việc của các cơ quan công quyền để không còn cảnh “muốn nhanh thì phải từ từ”, “Hà Nội không vội được đâu”; Từ chuyện trồng cây, cắt cỏ, tỉa hoa để TP đẹp hơn, xanh hơn, mát hơn mà vẫn tiết kiệm được ngân sách, đến những việc to lớn hơn như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xây dựng văn minh đô thị...
Tháng 10 lịch sử, thấm thía sâu sắc giá trị quý báu của độc lập, tự do, giá trị của hòa bình và phát triển, người Hà Nội phải luôn ý thức rằng: “Người dân cả nước đang nhìn vào cách ứng xử ở Thủ đô” mà năng động hơn trong lao động dựng xây; lịch sự hơn, nhân ái hơn trong ứng xử văn hóa, để Hà Nội không chỉ ngày càng vươn lên trên những tầm cao mới, mà còn để người Hà Nội có quyền tự hào “xứng tầm Thủ đô”!