Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đào tạo 15 năm tại Đức, TS.KTS Phó Đức Tùng là người gây dựng ngành Lâm nghiệp đô thị và kiến trúc cảnh quan tại Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Để Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống - Ảnh 1Chia sẻ bên lề cuộc tọa đàm: “Để Hà Nội trở thành TP đáng sống” diễn ra mới đây, anh quả quyết: Vấn đề là đáng sống như thế nào và làm sao để Hà Nội tiếp tục phát triển như một TP đáng sống nhất.

Có nhiều ý kiến xung quanh việc Hà Nội là một TP đáng sống hay không. Quan điểm của anh thế nào?

- Rất khó để nói thế nào là một đô thị đáng sống, bởi điều đó do người dân quyết định. Khi họ có thể bỏ nhà cửa, quê quán dù chật vật, khó khăn thế nào để đến sinh sống thì chắc chắn nơi đó với họ đáng sống hơn nơi ở cũ. Nhiều người chỉ thấy Hà Nội đủ các loại tệ nạn, chen chúc, ô nhiễm, tắc nghẽn… và nói rằng Hà Nội không đáng sống, nhưng nhận định đó là vô bổ bởi người ta vẫn quyết định ở đó. Thế nên mình không cần đặt câu hỏi “Hà Nội có đáng sống hay không?”, bởi với khoảng hơn 7 triệu dân và mức thu nhập cao hơn mức trung bình của cả nước thì đó hẳn là một nơi đáng sống.

Vậy với anh, Hà Nội đáng sống ở điểm nào?

- Nguyên tắc phát triển đô thị là các nền kinh tế phát triển thấp thì phải tập trung dân cư lại một số điểm. Nếu là DN, bạn dễ dàng biết rằng để nuôi sống 10 người đã khó, nuôi sống hơn 7 triệu người thì càng không đơn giản. Phải nhờ một bộ máy vô cùng nhạy bén và năng động mới giải quyết được câu chuyện ấy. Chỉ cần so sánh Hà Nội đầu thế kỷ XX có khoảng 30.000 dân với dân số hiện tại thì đã thấy đó là hai câu chuyện khác. Ai đi nhiều nơi sẽ nhận ra một điều, chúng ta có thể chê TP chúng ta xấu, nhưng quan trọng là nó đang sống. Nhiều TP trên thế giới giàu hơn rất nhiều lần, nhưng vẫn “chết”. Thế thì, sống được là giá trị cao nhất. Bên cạnh đó, lý do còn nằm ở trong giá trị nội tại của đô thị, kết tinh từ nhiều yếu tố như vị trí địa lý cũng như các bối cảnh xung quanh và rất nhiều điều khác.

Là một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đô thị, anh thấy điều gì là điểm nổi bật nhất ở Hà Nội?

- Hà Nội vốn là nơi Kẻ Chợ, sự tụ hội đa dạng thành phần, mật độ cao và sự sầm uất, sống động, theo tôi là đặc trưng số 1 của Hà Nội. Ngoài ra, khi nói đến Hà Nội, bất kỳ ai cũng lập tức nghĩ đến khu Phố cổ, mặc dù khu vực này chỉ vẻn vẹn 100ha, bằng 1/300 diện tích hiện tại của Hà Nội. Người nước ngoài tới Hà Nội gần như chỉ loanh quanh khu vực này. Vấn đề không phải ở đây có nhiều nhà cổ, mà là cấu trúc đô thị ở đây có sự đặc biệt. Cấu trúc các lô phố là cấu trúc tối ưu để tạo ra sự đa dạng, bởi ngoài mặt tiền còn có chiều sâu. Bạn tưởng tượng là mỗi lô phố có mặt tiền tạo ra những cái ô, sâu vào trong, từ đầu này đến đầu kia khoảng 120m. Nó có vùng lõi sâu rẻ tiền hơn để cho những người muốn sống, nhưng không kinh doanh. Cấu trúc này cho phép nhiều người với nhu cầu khác nhau, túi tiền khác nhau đều có thể sử dụng. Vì vậy, mật độ có thể tăng cao, mà mật độ cao là điều kiện tiên quyết cho sự sầm uất, sống động cũng như độ đa dạng và chất lượng của dịch vụ đô thị. Như vậy, giữa cấu trúc khu Phố cổ và bản chất Kẻ Chợ của nó có liên quan mật thiết với nhau.
Nhịp sống Phố cổ Hà Nội. 	Ảnh: Văn Phúc
Nhịp sống Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Văn Phúc
Trên thế giới có những lý thuyết đô thị nói rất kỹ rằng: Một đô thị tốt là một đô thị được chia nhiều đường nhỏ, và mỗi đường ấy chỉ được cách nhau tối đa 150m tạo thành các ô nhỏ. Và tốc độ giao thông tỷ lệ nghịch với giá trị của đất, điều đó lý giải tại sao phố đi bộ bao giờ cũng đắt tiền nhất. Nhưng ở Việt Nam vẫn cho rằng tiện ích giao thông mới là quan trọng, cho nên khi quy hoạch khu Phố cổ và các khu phố mới đều nghĩ là làm sao để giao thông thuận tiện. Điều đó cũng giống như thực tế khi quy hoạch các khu đô thị mới, chúng ta đều nghĩ điều quan trọng nhất là điều kiện kỹ thuật nên đã “thái” đô thị ra quá mỏng: Chỉ có một loại là nhà 2 mặt tiền, sau đó đến 2 nhà úp lưng vào nhau. Ngoài ra, các lô cũng được chia quá đều, chẳng hạn toàn 4 - 5m/lô dẫn đến chỉ có một loại lô ở một địa điểm. Như vậy, nhà chỉ có một loại, một mức giá, dẫn tới chỉ có một loại người muốn mua và như vậy thì mật độ người sống và tính đa dạng không thể cao. Ngoài cấu trúc kiểu lô phố, Hà Nội đã từng có kiến trúc biệt thự tại các khu Pháp, kiến trúc chung cư cũ Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân, rồi đến các dạng mới hơn như Linh Đàm. Nhưng điều đặc biệt là nếu chúng ta thả ra thì tất cả các dạng này đều dần quay trở lại thành một bộ mặt giống hệt như Phố cổ… Những điều đó cho thấy cấu trúc lô phố là một loại điển hình, thể hiện rõ nét nhất nhu cầu sống và sinh hoạt của cư dân đô thị Việt Nam.

Việc nhân rộng mô hình cấu trúc này ở Hà Nội có thể thực hiện được không?

- Khi xét việc có thể nhân rộng cấu trúc Phố cổ hay không trong điều kiện đô thị mới có 3 câu hỏi cơ bản cần được đặt ra: Giá bất động sản có cao không, từ đó dẫn tới lãi suất có cao không cho nhà đầu tư; mật độ và sự đa dạng có cao không, từ đó dẫn tới sự sầm uất cho khu đô thị; giao thông và các vấn đề hạ tầng kỹ thuật có đảm bảo không.

Về mặt giá đất, khu Phố Cổ thuộc loại cao nhất, nếu xét trên tổng số mét vuông khu đô thị. Về mặt kỹ thuật, việc nhân rộng mô hình giống như Phố cổ là hoàn toàn được. Mật độ dân cư ở khu Phố cổ hiện nay là cao nhất, kể cả các chung cư cao tầng cũng không đạt được mật độ như vậy. Khu Phố cổ chưa phải khu có ách tắc giao thông, trong khi nhiều khu khác không đạt mật độ này lại có ách tắc giao thông. Cấu trúc phân ô phố và mật độ giao thông trong Phố cổ do đó là một kinh nghiệm tốt. Tất nhiên, đó chỉ là cấu trúc hạ tầng cấp 3. Một đô thị lớn muốn tốt còn cần mạng giao thông cấp 1, 2 hoạt động tốt, đặc biệt với phương tiện giao thông công cộng.

Xin cảm ơn KTS!