Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn những cảnh đời vô gia cư

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội những ngày cuối năm rét tái tê, buốt da buốt thịt, có những phận đời không nhà, lang thang mưu sinh nơi vỉa hè góc phố.

Đêm, chỉ với manh áo mỏng, họ cuộn tròn mình trong những chiếc chăn đã cũ, rách nát, bên mái hiên, dưới gầm cầu hay bất cứ ngóc ngách nào trên đường phố.
Nhưng, không đơn thuần là vậy, một thế giới của người vô gia cư khá phức tạp. Có những cuộc đời cô đơn, không nơi nương tựa, nhưng cũng có những trường hợp con cháu đề huề, vẫn bị đẩy ra đường thành người vô gia cư. Xót xa hơn, có những cuộc đời yếu thế, bị những đối tượng chăn dắt, lợi dụng để kiếm tiền. Đã có nhiều người dân, nhiều nhóm thiện nguyện đến phát cháo, trao quà hằng đêm, giúp họ ấm lòng hơn trong đêm Đông lạnh giá. Tuy nhiên, điều đó chỉ mới giải quyết “phần ngọn” giúp người vô gia cư chống chọi qua ngày.

Cách đây 10 năm UBND TP Hà Nội có Quyết định số 90/2009/QĐ-UBND về việc tập trung nuôi dưỡng người lang thang trên địa bàn TP. Mới đây nhất, cuối năm 2017, Hà Nội tiếp tục có Quyết định số 6053 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn và đã thành lập các đội trật tự xã hội lưu động đi vận động, đưa người lang thang về Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc. Có thể nói, trong những năm qua, TP đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa người lang thang trên địa bàn về các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, để vận động được người lang thang về là cả một quá trình vô cùng khó khăn. Nhiều trường hợp không chấp hành, thậm chí chống đối, phản kháng kịch liệt. Có đối tượng sau khi đưa về địa phương, một thời gian sau lại quay trở lại TP tiếp tục... lang thang.

Theo lãnh đạo ngành LĐTB&XH, để Hà Nội không còn người lang thang trên địa bàn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Chính quyền địa phương nơi người lang thang hoạt động và nơi người lang thang có hộ khẩu thường trú. Về phía Sở LĐTB&XH Hà Nội, sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng rà soát, thống kê, lên danh sách các trường hợp người vô gia cư, lang thang để đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội nhằm có biện pháp hỗ trợ. Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán, Đội trật tư lưu động của Trung tâm bảo trợ xã hội 1 của TP tiếp tục cuộc hành trình, rong ruổi trên khắp các phố tìm người vô gia cư đưa vào Trung tâm bảo trợ với quyết tâm Hà Nội không còn người lang thang, đói, rét.

Và hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt cũng như sự phối hợp tốt giữa các ngành chức năng, địa phương, Tết này, Xuân này cũng như những cái Tết về sau, Hà Nội không còn cảnh người vô gia cư co ro xuyên đêm bên vỉa hè, đường phố.