Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn thay sổ điểm như “cơm bữa”

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, giáo viên (GV) nhiều trường vẫn tiến hành vào điểm hay bất kỳ thông tin gì bằng phương pháp thủ công.

Vẫn còn lạc hậu
Khoảng thời gian này, các trường vừa kết thúc đợt kiểm tra học kỳ I và cũng là lúc GV bắt đầu vào điểm cho nhiều loại hồ sơ sổ sách như sổ liên lạc, sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên, sổ điểm, học bạ…
Tuy nhiên, có trường thực hiện việc này thủ công nên mất thời gian và công sức khiến nhiều GV nản, nhất là những môn hàng chục tiết/tuần thì công việc này lại vất vả hơn.
 
Thử tính, một trường có khoảng 20 lớp, 50 học sinh (HS)/lớp thì phải vào điểm cho 1.000 HS. Mỗi HS sẽ có những cột điểm như kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ và cột để ghi điểm trung bình môn học. Như vậy, GV phải vào 4.000 điểm ở sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên - ghi điểm và 1.000 điểm ở học bạ.
Đó là GV bộ môn, còn với GV chủ nhiệm, vào điểm thủ công lại vất vả hơn. Có GV chủ nhiệm phải mất cả tuần để hoàn thiện các loại hồ sơ vì phải tổng hợp, thống kê.
Để vào điểm cho HS, đòi hỏi GV phải thật cẩn thận, tỉ mỉ vì chỉ cần sai sót là lại mất thời gian sửa sai bằng bút đỏ hoặc thay sổ (tùy theo quy định của từng trường). Nhiều GV cho biết, có học kỳ phải thay sổ vào điểm thường xuyên, chạy chỗ này chỗ nọ để photo, mua, xin chữ ký… nên căng thẳng vô cùng.
Đẩy lùi việc “sửa đẹp” điểm số
Để không còn vào điểm bằng phương pháp thủ công, đơn giản hóa công tác quản lý giáo dục, các trường đã sử dụng phần mềm quản lý điểm (gọi là sổ điểm điện tử).
Các GV cho biết, việc số hóa điện tử hồ sơ mang lại rất nhiều lợi ích cho cán bộ, GV trong trường học. Đặc biệt, sử dụng sổ điểm điện tử đảm bảo tính chính xác cao, lưu giữ an toàn và tránh được những can thiệp điểm số với mục đích xấu.
Cô Vũ Thị Tuyết Loan - Hiệu trưởng trường THCS Tô Vĩnh Diện (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã áp dụng sổ điểm điện tử trong mấy năm nay. Có sổ điểm điện tử, GV thuận lợi hơn khi tính toán các con điểm, các công thức để ra kết quả học tập; Thực hiện các giao dịch thông tin trên các thiết bị điện tử. "Số hóa giúp công khai minh bạch, đẩy lùi các tiêu cực như “làm đẹp” điểm số” - cô Loan nói.
Theo cô Loan, trước kia, khi trường còn dùng cách vào điểm thủ công đã gặp rất nhiều khó khăn như GV nhiều tuổi; GV chữ xấu thì viết không rõ ràng… vì vậy, việc nhầm lẫn, sai sót xảy ra thường xuyên và GV phải mất thời gian dùng bút đỏ sửa lại nhưng bảng điểm giấy nhìn không được đẹp.
Thời gian đầu việc ứng dụng sổ điểm điện tử vẫn còn một số hạn chế như GV chưa thành thạo công nghệ thông tin nên lúng túng khi làm việc trên hệ thống; in nhầm bảng điểm;… Để GV toàn tâm với các thiết bị điện tử, các trường nên chủ động mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ thông tin.
Về việc triển khai sổ điểm điện tử trong các trường học, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT Nguyễn Sơn Hải cho biết, hiện chỉ có sổ điểm điện tử trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và Bộ không có yêu cầu bỏ sổ điểm giấy và học bạ.
Ông Hải cho rằng, tương lai, sổ điểm, học bạ hay giấy tờ chứng nhận lý lịch của HS, kết quả học tập… có thể làm bản điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến.