Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để “Make in Vietnam” thành hiện thực

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bắt đầu sản xuất iPhone 11 tại Ấn Độ, Apple tiếp tục hướng đến việc chọn đây là nơi sản xuất loạt iPhone 12 như là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các báo cáo nói rằng Apple có thể bắt đầu sản xuất loạt iPhone 12 “Made in India” từ giữa năm 2021. Ngoài ra, Apple cũng đưa ra thông báo sẽ tạm hoãn lại dự án lắp ráp iPhone tại Việt Nam. Trước đó, đại diện Apple đã đi thị sát nhà máy Luxshare tại Bắc Giang, nơi sẽ sản xuất iPhone trong tương lai.
Một trong những lý do quan trọng khiến Apple hối thúc các đối tác của mình sản xuất điện thoại di động tại Ấn Độ, ngoài việc nhắm đến thị trường 1 tỷ dân của nước này, còn tránh các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến hết sức khó lường. Mặt khác, sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ giảm được tới 22% thuế nhập khẩu nếu bán trong nước. Đây sẽ là động lực để Apple nâng cao thị phần vốn chỉ chiếm 1%, cũng như tận dụng tốt các chính sách khuyến khích đầu tư theo chuỗi liên kết của Chính phủ Ấn Độ gần đây.
Cách đây hơn một tháng, Chính phủ Ấn Độ đã công bố một chính sách ưu đãi sản xuất (Production Linked Incentive) đặc biệt lên 5,5 tỷ USD nhằm thu hút một số DN lớn theo chương trình “Make in India”. Khoản hỗ trợ này sẽ được chi trả bằng tiền mặt, cho các dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị trên 200 USD/chiếc.
Trong khi đó, Việt Nam, nhà lắp ráp và xuất khẩu điện thoại lớn nhất Đông Nam Á, cũng là một "thỏi nam châm" thu hút đầu tư. Việt Nam có vị trí rất thuận lợi, chính trị kinh tế ổn định, đặc biệt có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Việt Nam có cơ hội, có thị trường với 100 triệu dân và mức thu nhập tăng không ngừng. Việt Nam đã có tổ công tác đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Song vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng. Một sản phẩm iPhone có khoảng 18.000 - 20.000 linh kiện. Trên thế giới hiện Trung Quốc là nơi duy nhất có đủ 20.000 linh kiện để lắp ráp iPhone. Ấn Độ đáp ứng được khoảng 1/2, nhưng vì vấn đề thị trường, nên họ sẵn sàng cho lắp ráp tại đây.
Còn ở Việt Nam, dù 2 năm gần đây, số lượng nhà sản xuất linh kiện cho iPhone cũng nhiều, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% số linh kiện cần thiết. Apple không thể nhập khẩu tới 90% linh kiện khi sản xuất iPhone tại Việt Nam bởi có nhiều rủi ro và tốn kém.
Xem ra, cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư là không đơn giản, nhất là khi không chỉ Ấn Độ, mà còn nhiều quốc gia khác cũng đã và đang sẵn sàng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư để đón dòng đầu tư dịch chuyển thời kỳ hậu Covid-19. Sẽ không chỉ là Apple mà Việt Nam cần chiến lược để đón những tên tuổi lớn dời đại bản doanh khỏi thị trường Trung Quốc.
Khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” của Chính phủ được đưa ra lần đầu tại Diễn đàn CNTT - Truyền thông Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” hồi trung tuần tháng 12/2018 nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho các DN với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ. Nhưng còn nhiều việc phải gỡ để có thể đón sự chuyển dịch dòng vốn FDI.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, để trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới, một quốc gia cần rất nhiều thứ như: Dân số trẻ, chi phí nhân công rẻ, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ, kỹ thuật công nghệ không quá nghèo nàn, lao động có trình độ tối thiểu, kinh tế tăng trưởng khá và thị trường tiêu thụ nội địa mạnh. Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục, công nghệ cũng như hạ tầng bao gồm cả cứng và mềm.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính cũng phải nhanh chóng bắt kịp để không làm cản trở cơ hội vàng tăng trưởng kinh tế - xã hội. Sớm cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động và phát triển công nghiệp hỗ trợ…