Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để năm học mới thực sự là ngày hội

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/8, ngày mà hầu hết học sinh các cấp học phổ thông bắt đầu tựu trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố danh mục số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin về thu chi tài chính không đúng quy định.

Đây là động thái nhằm kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học 2018 - 2019 tại các trường trên địa bàn Thủ đô.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Phụ huynh, học sinh (HS) và người dân trên địa bàn Hà Nội có băn khoăn, bức xúc và những thông tin về dấu hiệu sai phạm trong thu chi tài chính ở các nhà trường có thể liên hệ tới các số điện thoại đã công bố để phản ánh. Sở sẽ xác minh, xử lý kịp thời các sai phạm. Trước đó, Sở GD&ĐT cũng đã ban hành Văn bản 3120/SGDĐT-KHTC hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018 – 2019. Theo đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định, không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS; không thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Trong một động thái tương tự, Chỉ thị đầu năm học mới và các văn bản chỉ đạo liên quan khác của Bộ GD&ĐT cũng nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục phải tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó cho phụ huynh. Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình trạng lạm thu, thu gộp các khoản vào đầu năm học… luôn gây bức xúc cho toàn xã hội. Gần đây nhất, năm học 2017 – 2018, Văn phòng Chính phủ phải có Công văn hỏa tốc gửi Bộ GD&ĐT cùng UBND các tỉnh, TP yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát các văn bản của bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng chỉ đạo tuyệt đối không để tình trạng lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.

Câu hỏi đặt ra là vì sao câu chuyện đáng buồn này lại cứ đến hẹn lại lên, dù đã được nhắc nhở, răn đe, chấn chỉnh không chỉ một lần? Không quá khi nói đây đã là một căn bệnh mạn tính, khó chữa. Vậy đâu là căn nguyên và muốn chữa dứt nó, cần phải áp dụng liệu pháp nào?

Quan sát và phân tích có thể thấy, nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là quan niệm thương mại hóa một hoạt động rất giàu tính nhân văn là giáo dục, đào tạo đã xuất hiện trong những năm gần đây. Biểu hiện của quan niệm này là việc đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo” được đưa vào dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp mới đây. Chỉ riêng việc coi hoạt động giáo dục, đào tạo như một dịch vụ đã là cách suy nghĩ không phù hợp. Bởi khi coi đây là một dịch vụ thuần túy, người cung cấp dịch vụ sẽ nghĩ đến chuyện thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Rất may là đề xuất lạ lùng này không được chấp nhận. Nếu không, từ chỗ coi việc dạy dỗ con người như một hoạt động dịch vụ thương mại đơn thuần, ý thức gìn giữ, trau dồi đạo đức người thày cho đến gìn giữ tính nhân văn của sự nghiệp trồng người cũng mai một.

Dân tộc Việt có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Để có được sự kính trọng, người thầy phải có tư cách, đạo đức, như chúng ta hay nói là “thầy ra thầy”. Chúng ta đã và vẫn đang có những tấm gương thầy, cô hết lòng vì HS, nhưng vẫn phải đau lòng chứng kiến nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, dù núp bóng “tự nguyện”, chứng kiến những đứa trẻ phải chia sẻ với cha mẹ nỗi lo về những khoản đóng góp “tự nguyện”. Phải chăng chúng ta đã để tồn tại quá lâu quan niệm sai lầm là thương mại hóa giáo dục, để nó thành căn bệnh kinh niên mà những văn bản, chỉ thị… chỉ có tác dụng chữa triệu chứng chứ không thể xóa bỏ tận gốc. Cũng cần nói rõ là đây không phải tình trạng của riêng ngành giáo dục, cách suy nghĩ sai lầm đó là thứ virus dễ lây lan, thậm chí đã “nhờn kháng sinh” tạo ra những hành vi thực dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống!

Khai giảng năm học mới là ngày hội đến trường của lứa tuổi học trò. Đã là ngày hội thì phải vui, phải hồ hởi. Các cô cậu học trò liệu có thật vui, hồ hởi khi phải chia sẻ với bố mẹ chúng nỗi lo đóng góp đầu năm? Đã đến lúc các cơ quan chức năng và cả xã hội phải có giải pháp thanh toán triệt để tình trạng lạm thu cùng các biểu hiện không lành mạnh khác trong các nhà trường để năm học mới thực sự là một ngày Hội.