Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo đó chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.
Tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng, tăng quỹ BHXH, tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động thì báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng BHXH bắt buộc.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi Dự thảo Luật, bảo đảm công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng BHXH khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bản chất nhóm chủ hộ kinh doanh khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để bảo đảm cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) cho rằng, cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện.
Tại khoản 5 điều 7, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28 của Trung ương, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về bảo hiểm y tế cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỉ lệ bao phủ BHYT kỳ vọng.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) quan tâm đến quy định tại điểm a, khoản 1, điều 3 của Dự thảo Luật về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động, có nội dung thỏa thuận (bằng việc làm có trả công, tiền lương) và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13). Xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và bảo đảm các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.
Các đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật BHXH đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo Điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.