Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị có cơ chế ưu đãi trong cải tạo chung cư cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội, khảo sát...

Kinhtedothi - Ngày 27/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở trên địa bàn TP.

Theo thống kê, sau hơn 8 năm triển khai Luật Nhà ở năm 2005, Hà Nội đã dành hàng trăm ngàn mét vuông xây nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo khu vực đô thị… Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho Nhân dân, năm 2004, TP đã thành lập Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội, trong đó có hoạt động ủy thác cấp vốn để đầu tư trực tiếp phát triển nhà ở xã hội, cho vay vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Nhà A5 Giảng Võ sau khi được cải tạo, xây dựng mới. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhà A5 Giảng Võ sau khi được cải tạo, xây dựng mới. Ảnh: Quỳnh Anh
Làm rõ những vấn đề đoàn khảo sát quan tâm về cải tạo, quản lý chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Trên địa bàn TP có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng, tổng diện tích  khoảng 1,7 triệu mét vuông cần được sửa chữa, xây dựng lại. Cùng với đó, còn các khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản và sẽ phải bàn giao cho TP. Hiện cũng có những khó khăn về cơ chế chính sách, TP đang đẩy nhanh việc quy hoạch và tìm phương án giải quyết các khó khăn để thực hiện đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển nhà ở, TP đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Trong đó, có cơ chế ưu đãi đối với việc cải tạo chung cư cũ; bổ sung chính sách để thu hút xã hội hóa… Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có cơ chế tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để phát triển quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua; rút ngắn thủ tục đầu tư; hình thành các quỹ tài chính, tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở để người thu nhập thấp có thể vay để thuê, mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, cho phép các đối tượng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trước ngày 7/1/2013 được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức khẳng định, Hà Nội làm tốt hơn nhiều tỉnh, thành khác trong đầu tư xây nhà cho sinh viên, người thu nhập thấp, qua đó làm thay đổi bộ mặt Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Việc thành lập Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội là một bước đột phá so với nhiều tỉnh, thành. Đồng thời, đề nghị TP cần có phương án để khắc phục các khó khăn, đẩy nhanh cải tạo các khu chung cư, nâng cao chất lượng sống của cư dân phố cổ và bảo vệ những kiến trúc văn hóa của Hà Nội. Những kiến nghị của Hà Nội được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận và xem xét trong quá trình thẩm tra việc sửa đổi Luật Nhà ở.