Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD&ĐT và 34 trường đại học về đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình. Theo đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để công nhận trực tuyến là phương thức dạy học chính thức.
Thống nhất cao nên mở rộng dạy học từ xa
Cụ thể, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở đã tổ chức 3 phương thức dạy học gồm: Học trên truyền hình, học trực tuyến và học trên phần mềm học và thi trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98% đến 100% học sinh tham gia.
Tại Quảng Ninh, theo bà Nguyễn Thị Thuý - Giám đốc Sở GD&ĐT, để đạt được con số gần 93% học sinh THPT được học tập từ xa, qua internet, truyền hình là do các trường học ở Quảng Ninh cơ bản được trang bị hệ thống dạy học hiện đại, trường học thông minh. Các nhà trường, giáo viên tham gia tích cực. Các tập đoàn công nghệ, nhà mạng hỗ trợ rất tích cực. Hiện nay, Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình dạy học trực tuyến.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội và Quảng Ninh đều cho rằng, để phương thức đào tạo trực tuyến tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy định về tính pháp lý cho việc dạy học và công nhận kết quả học trực tuyến; hướng dẫn cụ thể về điều kiện triển khai, đồng thời hỗ trợ về đường truyền, thiết bị và hệ thống tài nguyên dạy học bảo đảm thống nhất...
Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, Vụ đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin hoàn thiện quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo ra hành lang pháp lý, hình thức dạy học trực tuyến được luật hoá, quy phạm hoá và được công nhận kết quả. Sau đó, Vụ sẽ xây dựng thông tư và có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.
Theo ông Tài, hiện nay, một số thầy cô nhầm lẫn dạy trực tuyến và dạy học qua một số phần mềm. Do đó, rất cần quy định dạy học trực tuyến và quy định trách nhiệm của sở, phòng GD&ĐT, nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh. Dự kiến dự thảo thông tư sẽ được hoàn thiện trước thềm năm học mới để lấy ý kiến rộng rãi.
Đánh giá cao nỗ lực và kết quả ngành Giáo dục làm được trong triển khai đào tạo trực tuyến thời gian qua, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nhân cơ hội này, Bộ GD&ĐT nên mở rộng hơn nữa phương thức dạy học từ xa, không chỉ ở đại học mà bắt đầu từ bậc mầm non. Nếu làm tốt chúng ta sẽ có một thế hệ công dân mới thành thạo công nghệ thông tin - công dân toàn cầu.
Bộ sẽ ban hành quy chế chính thức
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy học trực tuyến là việc chủ động của ngành giáo dục chứ không phải bị động đến khi đại dịch mới làm. Đại dịch tạo ra áp lực, ngành giáo dục đã chuyển áp lực thành động lực và thực hiện được.
Cho rằng, dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế, Bộ trưởng cho biết, tới đây phương thức này sẽ tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với trực tiếp. “Nếu làm tốt được việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kỹ năng hiện đại trong và ngoài nước mà còn rất thiết thực rút ngắn thời gian học trên lớp. Rút ngắn thời gian mà chất lượng vẫn đảm bảo” - Bộ trưởng nói.
Có 6 phần việc, theo Bộ trưởng cần đưa vào chương trình hành động để thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, thúc đẩy đào tạo trực tuyến. Trước hết, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: phần mềm, kết nối đầu cuối, đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng... Về vấn đề này, Bộ trưởng lưu ý, cần có sự hỗ trợ của các tập đoàn, công ty công nghệ, nhà mạng.
Đối với việc xây dựng kho học liệu số, Bộ trưởng gợi ý, nên chọn những giáo viên có kinh nghiệm để thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tỉnh giản để có kho học liệu dùng chung.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng. Trong đó có tổ chức đánh giá, đảm bảo tính minh bạch, nghiêm túc, trung thực. Việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối thông suốt trong hệ thống. Bộ GD7ĐT sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng sở, phòng, cơ sở giáo dục, đảm bảo thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định chính xác.
“Phương thức tổ chức dạy học có áp dụng công nghệ để thành thục, hiệu quả cần rất nhiều cố gắng từ các bên. Với những gì làm được thời gian qua, với quyết tâm của các địa phương, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, mục tiêu phát triển dạy học trực tuyến tới đây sẽ thành hiện thực và trở thành công cụ, phương thức không thể thiếu” - Bộ trưởng khẳng định.