Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Lê Văn Hoạt; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đào Văn Bình.
Tại buổi làm việc, đại diện Uỷ ban MTTQ và một số ĐBQH đã nêu lên nhiều ý kiến của cử tri qua các cuộc tiếp xúc liên quan đến những vấn đề "nóng" về lạm phát, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tăng cao, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được hạn chế… để QH, Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Các cử tri cũng đề nghị QH cần điều chỉnh một số luật cho phù hợp và hiệu quả hơn như Luật: Phòng chống tham nhũng, Đất đai, MTTQ; xây dựng chương trình giám sát toàn khóa, giải quyết kịp thời kiến nghị cử tri. Đối với Chính phủ, nhiều ý kiến đề nghị có những giải pháp quyết liệt để ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý giá xăng, giá điện nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo mong các ĐBQH Hà Nội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến để giúp UBND TP có những quyết sách đúng, trúng hơn nữa. TP luôn xác định công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường hay giảm ùn tắc giao thông là nhiệm vụ trọng tâm và đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển. Việc phân làn giao thông dù mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã đạt kết quả tốt với 80% người dân tự giác chấp hành. Đây là tín hiệu khả quan bởi không dễ tạo thành thói quen văn hóa cho người tham gia giao thông vốn đã quen nếp cũ hàng chục năm. Đối với một số bất cập trong quá trình thực hiện, TP sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ tiếp tục triển khai kiên trì, đồng bộ, triệt để nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong văn minh đô thị.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, dù có nhiều khó khăn, nhưng TP đã thực hiện hiệu quả việc góp phần đẩy lùi lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống dân sinh. Những kiến nghị, đề nghị của cử tri và ĐBQH với TP là rất cần thiết, bởi dù có chung mục đích, nhưng trong quá trình thực hiện lại có nhiều quan điểm, cách xử lý khác nhau. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với UBND, HĐND, MTTQ đã đạt được nhiều kết quả tích cực và trong thời gian tới cần chặt chẽ hơn nữa. Khi Đoàn ĐBQH có kế hoạch giám sát, UBND TP cần chủ động phối hợp, triển khai thực hiện ngay sau khi có kết quả để thông tin kịp thời với cử tri. Đối với những vụ việc tồn đọng kéo dài, nếu không phải vướng mắc về cơ chế chính sách mà liên quan đến ý thức, trách nhiệm cán bộ phải xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, ĐBQH cũng cần nâng cao vai trò, có thể làm rõ ngay việc gì thuộc trách nhiệm chính quyền, việc gì người dân chưa hiểu rõ để đưa ra hướng cởi gỡ kịp thời. Để làm được điều đó, mỗi đại biểu phát huy tính chủ động, luôn sâu sát nắm bắt tình hình, tìm hiểu các cơ chế chính sách nhằm làm rõ hơn các vấn đề cử tri quan tâm, chứ không chỉ dừng lại ở ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Nhân kì họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII sắp tới, TP Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô để trình QH xem xét, thông qua; sớm thông qua Luật Đầu tư công; sửa đổi một số điều Luật Điện lực, sửa điều 37 Luật Đất đai năm 2003 cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị QH xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều còn khác biệt, chồng chéo đối với các hoạt động đầu tư xây dựng tại các Luật: Xây dựng, qui hoạch đô thị, nhà ở….