Các ý kiến đều cho rằng, do phần lớn ĐB HĐND hoạt động kiêm nhiệm, trong số đó những người có trình độ, nắm bắt được thông tin, nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương lại tập trung ở cơ quan hành pháp nên thời gian dành cho hoạt động của người ĐB không nhiều. Đồng thời, với đặc điểm cụ thể của chính quyền đô thị và nông thôn, nên có quy định chức năng nhiệm từng loại hình, và tăng thẩm quyền cho cấp quận để đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh của đô thị. Một thực tế cũng được các cử tri là lãnh đạo HĐND các huyện, xã đưa ra là, Dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được tính hiệu lực sau kỳ giám sát HĐND, mới chỉ dừng ở kiến nghị với cơ quan chức năng để xem xét, còn hiệu quả xem xét đến đâu, chưa có những chế tài để xử lý. Cũng chính vì hiệu lực hoạt động của HĐND không cao, nên cũng không thu hút được cán bộ. Do đó, khi làm Luật, Quốc hội cần xem xét để quy định rõ quyền của HĐND, không thể ghi chung chung là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, nhưng khi áp dụng vào thực tế là rất khó.