Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để phân biệt đồ da thật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Để nhận biết da bò thật, lâu nay nhiều người mách nhau phương pháp đốt. Theo đó, da giả đốt lên sẽ co lại tương tự như đốt bao ni lông; trong khi da thật cháy xém và có mùi khét của hợp chất hữu cơ...

Các sản phẩm từ da như giày dép, túi xách, quần áo da... luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ bền và hợp thời trang.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phân biệt da thật với chất liệu giả da.

 

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Quản lý cửa hàng đồ da Chiton (167 Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.3, TP.HCM), chất liệu giả da chia thành hai loại chính: simili và PU. Với simili, bạn có thể dễ dàng nhận biết bởi chất liệu này giá rẻ, cứng, được phủ một lớp polyeste trên bề mặt nên rất bóng, thường được may làm hàng chợ. Riêng PU thì dễ gây nhầm lẫn hơn, bởi đây là chất liệu giả da cao cấp, mềm mại gần giống da thật. Tuy nhiên, bản chất PU vẫn là dạng hợp chất tổng hợp nhân tạo nên có thể bong tróc theo thời gian.

“Để nhận biết da bò thật, lâu nay nhiều người mách nhau phương pháp đốt. Theo đó, da giả đốt lên sẽ co lại tương tự như đốt bao ni lông; trong khi da thật cháy xém và có mùi khét của hợp chất hữu cơ. Điểm thứ hai là trên bề mặt đồ da thật dù trải qua quá trình thuộc da nhưng vẫn còn những lỗ chân lông, có thể nhìn thấy bằng kính lúp thông thường. Thứ ba, da thật có độ đàn hồi tự nhiên nên dù bạn có gấp uốn thế nào vẫn không bị biến dạng, không bị gãy, rạn như đồ giả da” - Ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, những người có kinh nghiệm sử dụng đồ da cho biết, họ thường chọn sản phẩm với kiểu dáng đơn giản, bề mặt bên trong không lót vải, khá sần sùi, cầm chắc tay và có độ mềm, mướt. Một số sản phẩm, nếu được lót bên trong để phù hợp với nhu cầu sử dụng thì nhà sản xuất sẽ cố tình để phần mép sản phẩm, kế bên các đường may ở dạng thô chứ không bọc lại. Tuy nhiên, muốn chắc chắn mua được hàng thật 100%, người tiêu dùng nên vào trang web của nhãn hiệu, tìm địa chỉ các nhà phân phối chính thức để mua.