Tại Tọa đàm "Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài" do Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết vào các quy định của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến vấn đề này.
Trong đó, TS. Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, các nhóm chính sách thể hiện trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đều là các chính sách đột phá, vượt trội. Nhưng để các chính sách này đi vào cuộc sống, Thủ đô Hà Nội phải thu hút, trọng dụng được nhân tài.
Thu hút, trọng dụng nhân tài là động lực mạnh mẽ để thực hiện thành công các chính sách đột phá, vượt trội
Theo TS. Trần Anh Tuấn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thực ra là một Luật mới thay thế cho Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 với nhiều chính sách có tính đột phá, vượt trội để phát triển Thủ đô Văn hiến, Văn minh, Hiện đại theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong tư tưởng chính của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội và chính sách nhân tài. Từ đó, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động, sáng tạo, tự quản thực hiện 9 nhóm chính sách đột phá, vượt trội để phát triển.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá mặc dù cần bổ sung thêm các quy định cụ thể, mạnh mẽ, đúng với chủ trương của Đảng trong tổ chức chính quyền đô thị nhưng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được xây dựng công phu, tâm huyết, có sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, sự tâm huyết, trách nhiệm của Thành ủy, chính quyền Thủ đô, các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân.
Điều quan trọng nhất, muốn thực hiện các chính sách đột phá, vượt trội, Hà Nội phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là thu hút, trọng dụng được nhân tài. Chính sách nhân tài của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng cần tiếp tục hoàn thiện, gắn với Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 899 ngày 31/7/2023. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thực hiện 9 nhóm chính sách trong Luật Thủ đô, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến, Văn minh và Hiện đại".
Hiện một số ý kiến đề nghị cần có một chương riêng về đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về vấn đề này, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết phải lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện chính sách nhân tài và chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Nếu quy định chính sách nhân tài của Thủ đô thành 1 chương riêng thì quá tốt, vì sẽ chính sách này sẽ được quy định cụ thể và chi tiết hơn, sau này đỡ phải quy định chi tiết hoặc hướng dẫn.
"Điều quan trọng là các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được quy định một cách cụ thể, đầy đủ, đúng với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn" - TS. Trần Anh Tuấn nói.
Theo TS. Trần Anh Tuấn, phân cấp, ủy quyền là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Do đó, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có chính sách nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng phải tiếp tục thể hiện được tư tưởng phân cấp, phân quyền. Dự thảo Luật đã có một số quy định đi theo hướng này, như phân quyền quyết định về biên chế cho Hà Nội; phân cấp về tuyển dụng, ký hợp đồng… cho người đứng đầu các cơ quan thuộc chính quyền TP Hà Nội như các Sở ngành, quận huyện thị xã.
Cần xác định tiêu chí về nhân tài cho Thủ đô
Theo TS. Trần Anh Tuấn, muốn có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, chúng ta phải thống nhất nhận thức về nhân tài, nhận biết được nhân tài theo các tiêu chí nào.
"Cứ nói thu hút, cứ nói trọng dụng nhưng chưa thống nhất được thế nào là nhân tài thì làm sao đưa được chính sách khả thi để thu hút, trọng dụng. Ngay như những sinh viên học xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa khi được tuyển dụng không qua thi, đấy mới là nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng chưa thể coi là nhân tài. Còn phải xem quá trình làm việc có tạo ra được sản phẩm, công trình, các sáng tạo được áp dụng và có ích cho xã hội, cho cuộc sống không đã"- TS. Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140 ngày 5/12/2017 của Chính phủ. Bày tỏ sự đồng tình với chính sách này, nhưng TS. Trần Anh Tuấn lưu ý, đây mới chỉ là nguồn để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, chưa chắc tất cả đã là nhân tài. Điều này còn phụ thuộc vào quá trình phấn đấu, rèn luyện, bồi dưỡng trong thực tiễn và năng lực trí tuệ của mỗi người.
“Có 3 tiêu chí xác định nhân tài. Thứ nhất, có tư cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến. Thứ hai, có trình độ, năng lực vượt trội hơn so với người khác. Thứ ba, phải có sản phẩm và sản phẩm hữu ích cho cuộc sống” – TS. Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Đồng thời cho rằng, hiện vẫn đang có tình trạng tuyển chọn và sử dụng người thông qua bằng cấp. Tuy nhiên, có nhiều người chỉ tốt nghiệp cử nhân nhưng họ có thể làm được rất nhiều việc để giải quyết điểm nghẽn, khó khăn trong từng lĩnh vực, từng ngành mà chưa ai làm được. Đây mới là người giỏi, người tài chứ không phải cứ thuần túy có học vị cao đã là người giỏi. Tuy nhiên, vẫn phải coi trọng cái sự học- học hành vẫn là gốc rễ sản sinh ra nhân tài. Các cụ vẫn dạy “không thầy đố mày làm nên”.
“Khi chúng ta xác định được tiêu chí về nhân tài, chúng ta mới xây dựng được chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp. Sau khi đã tìm được nguồn thì phải có chính sách bồi dưỡng, đào tạo và tin tưởng giao việc. Thông qua kết quả công việc, quá trình làm việc thì sẽ tìm được nhân tài thực sự. Tin tưởng, sử dụng đúng sở trường, tạo điều kiện phát huy hết năng lực, trân trọng, đãi ngộ xứng đáng, ứng xử chuẩn mực, ăn ở đầu đuôi, trước sau, tín nghĩa,… tổng hòa các tố chất này của người đứng đầu sẽ tạo nên năng lực, sức hút để “giữ chân” được người tài năng và tạo nên sự thành công của chính sách nhân tài” – TS Trần Anh Tuấn nói.
Theo TS. Trần Anh Tuấn, liên quan đến những nội dung trên, khi đề xuất các chính sách xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đã thể hiện nhiều nội dung mạnh mẽ, rõ ràng, tuy nhiên, những quan điểm này của TP hiện vẫn chưa được thể hiện rõ trong Điều 17 của Dự thảo Luật. Hiện đã và đang có ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nên nghiên cứu nghiêm túc để tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện.
Hiện 9 nhóm chính sách đột phá, vượt trội trong Dự thảo Luật thuộc các lĩnh vực: phát triển đô thị, xây dựng, giao thông, phát triển khoa học- công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội… TS. Trần Anh Tuấn cho rằng: "Sẽ khó thực hiện được như mong muốn, nếu như không phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Tôi muốn nói đến yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định và phải được thể hiện rõ nét qua chính sách trọng dụng nhân tài".
Trọng dụng nhân tài để phát triển Thủ đô không nên chặt chẽ về tiền bạc
TS. Trần Anh Tuấn cũng nhận định: "Chính sách nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà Hà Nội thảo trình các cấp có thẩm quyền đã gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thứ nhất, giao quyền quyết định biên chế cho Hà Nội. Thứ hai, là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong vấn đề tuyển chọn và cho phép ký hợp đồng làm chuyên môn. Thứ ba, phương thức tuyển chọn, ký hợp đồng cần thay đổi theo hướng: Ai dùng thì người đó tuyển".
Đồng thời cho rằng, thời gian tới, quá trình tiếp thu các ý kiến của Quốc hội, Dự thảo Luật cần nghiên cứu những tư duy mới, giải pháp mới trong Quyết định số 899 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng. "Một tư duy mới rất hay, có tính đột phá tại Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ trong chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bầu cử đối với nhân tài không căn cứ và không phụ thuộc vào tuổi tác, thâm niên, thời gian công tác, bằng cấp, vùng miền"- TS. Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Liên quan đến các nội dung liên quan để thực hiện được chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, một điều quan trọng nữa là phải chú ý và quan tâm các chế độ đãi ngộ nhân tài. Điểm này phải được thực hiện thông qua cơ chế trả lương, tiền thưởng, trợ cấp, hỗ trợ và các điều kiện sinh hoạt khác.
"Khi muốn thu hút, trọng dụng nhân tài thì không nên rụt rè, chặt chẽ về tiền bạc. Ngày xưa các bậc quân vương chiêu hiền đãi sĩ 3 năm chỉ dùng một giờ. Để thu hút người tài về với mình, vua chúa khoản đãi 3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn mà vẫn chưa đạt kết quả. Chính sách nhân tài để phát triển Thủ đô không nên chặt chẽ về tiền bạc” – TS. Trần Anh Tuấn nói. Đồng thời khẳng định, Dự thảo Luật Thủ đô cần cho TP Hà Nội một tư duy thoáng, cởi mở hơn về cơ chế tài chính để thực hiện thành công việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tài tụ hội sẽ tạo nên, sẽ làm mạnh lên “nguyên khí” cho Thủ đô phát triển".