Chủ tịch Hà Nội:Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển

Phạm Hùng - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với cử tri huyện Sóc Sơn sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu Quốc hội Đoàn TP  Hà Nội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã báo cáo với cử tri các huyện về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn đánh giá cao các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trên các lĩnh vực công tác; thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng kỳ họp của quốc hội đáp ứng sự mong đợi của cử tri Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 10) tiếp xúc cử tri tại huyện Mê Linh, Sóc Sơn. 
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 10) tiếp xúc cử tri tại huyện Mê Linh, Sóc Sơn. 

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ đóng góp cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cử tri Lương Văn Họp (huyện Mê Linh) và cử tri Nguyễn Tất Thanh (huyện Sóc Sơn) bày tỏ tâm tư nguyện vọng chung của cử tri TP Hà Nội mong đợi Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được thông qua và cũng mong muốn việc sửa đổi lần này đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đang đặt ra để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò, trở thành trung tâm lớn về chính trị, văn hóa xã hội; là Thủ đô xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại.

Cử tri huyện Mê Linh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri
Cử tri huyện Mê Linh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Cử tri thị trấn Chi Đông (Mê Linh) kiến nghị Chính phủ cần hướng dẫn, quy định cụ thể về cải cách toàn diện chính sách tiền lương từ 1/7/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Văn Thanh (huyện Mê Linh) kiến nghị việc triển khai Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cần tránh phiền hà cho người dân khi cấp, đổi căn cước nhiều lần trong thời gian ngắn. Cử tri Quách Sỹ Dũng (huyện Mê Linh) nhận định, công tác quản lý nhà ở xã hội rất phức tạp, do đó đề nghị chuyển chính sách nhà ở xã hội thành xã hội hóa về nhà ở. Đối với nhà ở cho công nhân, nhu cầu tại huyện Mê Linh rất lớn với khoảng 10 – 20 nghìn người, cử tri kiến nghị cần sớm thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu của công nhân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, tổ đại biểu sẽ tổng hợp ý kiến gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội để báo cáo với Quốc hội.

Thông tin về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường đã có 177 ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật. Trong đó các hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội bảy tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi Luật, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Luật Thủ đô năm 2012 là Luật đi đầu, khai sinh ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác.

“Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa Luật hiện hành, vừa đưa vào các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nói. Đồng thời khẳng định, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.

Bên cạnh việc xây dựng Dự thảo Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP cho biết, TP cũng đang xây dựng hai quy hoạch lớn, quan trọng về phát triển kinh tế xã hội và xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội.

Thông tin về công tác phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự báo TP Hà Nội sẽ tăng trưởng GRDP khoảng 6,2%; dự kiến thu ngân sách khoảng 400 nghìn tỷ đồng trong năm 2023; các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng - an ninh đều được bảo đảm và có kết quả tích cực.

Trong năm qua, UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính.

“Trong quá trình thực hiện, thành phố rút ra hai bài học. Một là, thấy đúng thì phải quyết tâm làm. Hai là, làm thì phải quyết liệt”-  Chủ tịch UBND TP  nói và cho biết, khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì rõ ràng công việc được sát sao hơn.

Đối với kiến nghị của cử tri về Luật Căn cước, làm rõ kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, theo quy định của Luật, thẻ căn cước công dân gắn chip hiện đang sử dụng hoàn toàn có giá trị cho đến khi hết hạn, không phải thực hiện cấp đổi lại, từ đó không gây lãng phí, phiền hà cho người dân.