Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm cúm do sức đề kháng còn yếu. Để phòng bệnh, trước tiên các bậc cha mẹ hãy giữ ấm cho trẻ, giữ cho phòng ngủ không bị gió lùa và ấm cả ngày lẫn đêm.
Cho trẻ ăn thức ăn nóng, uống nước ấm. Tránh ăn thức ăn lạnh, quá mặn hoặc quá ngọt. Có thể dùng kem dưỡng ẩm để duy trì độ ẩm cho da.
Đặc biệt, rửa tay thường xuyên cho bé là việc hết sức đơn giản, nhưng lại hiệu quả nhất để loại trừ Virus gây cảm cúm. Với người lớn cũng cần rửa tay sau khi thay tã, xì mũi hoặc trước khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
Virus cảm lạnh và cảm cúm có thể sống bên ngoài không khí nhiều giờ, vì vậy, việc khử trùng bằng dung dịch là vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi trong nhà hoặc hàng xóm có người đang mắc cúm. Nên thường xuyên tẩy trùng các thiết bị và đồ dùng mà các thành viên trong gia đình thường dùng chung.
Rửa chén đũa bằng xà phòng và nước nóng. Tốt nhất nên hạn chế cho bé dùng chung đồ với người đang bị nhiễm bệnh để tránh lây.
Khi người lớn bị cảm lạnh hay cảm cúm, không nên tiếp xúc với trẻ để tránh lây bệnh. Khi trẻ bị sốt do cảm cúm, hãy cởi bớt quần áo, chườm ấm cho trẻ, nếu trên 38,5 độ C, cần hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol đơn chất với liều 10mg - 15mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 - 6 giờ.
Tuyệt đối không được sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ. Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt, những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh. Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, xúp dinh dưỡng, sữa nóng… Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ, hãy cố gắng duy trì càng lâu càng tốt vì sữa mẹ có khả năng cung cấp hệ miễn dịch cho bé. Nếu thấy sốt cao liên tục, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự điều trị bằng kháng sinh cho bé.Hàng năm, trẻ em từ 6 tháng trở lên và người lớn nên tiêm vaccine phòng cúm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh.