Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để “phương tiện xanh” không thành mối lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc xe đạp từng một thời giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhiều gia đình. Ngày nay, dù xe máy, ô tô, xe buýt mới là những phương tiện đi lại chính, nhưng xe đạp vẫn được khá nhiều người sử dụng hàng ngày.

Không chỉ là phương tiện đi lại của một bộ phận Nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người già, xe đạp còn được coi là "phương tiện xanh" góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của không ít người điều khiển phương tiện thô sơ này đang là vấn đề cần được quan tâm...

Đa dạng những… vi phạm

Như đã đề cập ở trên, ý thức chấp hành luật giao thông của nhóm người điều khiển xe đạp đang ở mức báo động. Thử hình dung một chiếc xe đạp có thể thình lình lao ra không tiếng động từ một ngõ ngách nào đó khiến người đi bộ, người điều khiển xe cơ giới không kịp trở tay. Và nếu một vụ va chạm xảy ra, người đi bộ thì ngậm ngùi chịu trận, còn người đi xe cơ giới thường buộc phải đền bù thiệt hại cho người đi xe đạp.

 
Hai bạn trẻ đi xe đạp thản nhiên vượt đèn đỏ tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng -                   Nguyên Hồng. 	Ảnh: Phạm Hùng
Hai bạn trẻ đi xe đạp thản nhiên vượt đèn đỏ tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Tại những ngã ba, ngã tư, có đèn tín hiệu, có vạch kẻ phân làn đầy đủ, rõ ràng nhưng những người điều khiển xe đạp hiếm khi đi hay dừng theo đúng luật. Việc xe đạp dừng trên phần đường nào tiện cho người điều khiển nhất hay vượt đèn đỏ đã trở thành một thói thường dễ gặp. Chúng tôi đã thử bám theo quan sát một vài nhóm học sinh cấp 2, cấp 3 tại một số trường trên địa bàn các quận như Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... Giờ tan học cũng thường là giờ cao điểm nhưng học sinh đều tụ tập đợi nhau ở cổng trường đã gây ùn tắc giao thông rồi lại hồn nhiên dàn hàng ba, hàng bốn xe đạp, vừa đi vừa cười đùa, thậm chí lạng lách, lôi kéo nhau. Với những người buôn bán rong, nhất là những người thu mua phế liệu thì chiếc xe đạp của họ thường được chất đầy hàng cồng kềnh. Người đi đường hẳn đã từng chứng kiến cảnh những chiếc xe này khi chở nặng đột nhiên loạng choạng đổ kềnh ra đường hoặc rơi vãi tứ tung phế liệu, hoa quả…

Chúng ta cũng dễ dàng gặp cảnh người điều khiển xe đạp đi ngược chiều hoặc đi trên vỉa hè để tránh quãng đường đông đúc, tránh phải đi đường vòng trên những tuyến phố một chiều. Họ hoàn toàn không quan tâm tới những người đi bộ trên vỉa hè phải tránh xe đạp bằng cách nép vào đâu đó hoặc… nhảy xuống lòng đường!Chính sự vô tâm, thiếu ý thức của những người đi xe đạp bon bon trên vỉa hè, trên đường ngược chiều, hay hiện ra ở những nơi "trời ơi đất hỡi" kia đang góp phần làm hỗn loạn thêm mạng lưới giao thông vốn đã rất phức tạp của TP. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ va chạm giao thông, thậm chí dẫn đến TNGT nghiêm trọng.

Liều thuốc cho bệnh thiếu ý thức

Việc tự coi xe đạp là một ngoại lệ, không cần tuân thủ luật giao thông khiến người điều khiển trước tiên đặt mình vào vòng nguy hiểm. Nhưng điều đáng bàn là sự thờ ơ của lực lượng chức năng khi hướng dẫn, điều khiển giao thông và xử lý vi phạm. Gần như mọi trường hợp xe đạp vi phạm luật giao thông không bị xử lý. Trong số liệu thống kê xử lý vi phạm trật tự ATGT hàng ngày của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP) không có mục xử lý vi phạm xe thô sơ và trong vài năm gần đây, Phòng cũng không có chuyên đề xử lý vi phạm đối với xe thô sơ nào. Sự thờ ơ đó là một tín hiệu đèn xanh, một sự công nhận mặc nhiên cho những vi phạm của người đi xe đạp là "bình thường" và "cứ việc tiếp diễn"(?).

Xe đạp là một trong những phương tiện giao thông xanh, có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường. Mặt khác, đạp xe cũng là một hoạt động vui khỏe được ưa chuộng, nhất là với người cao tuổi. Vấn đề đặt ra là ý thức của người điều khiển loại phương tiện giao thông xanh này. Những người điều khiển xe đạp cần có ý thức tôn trọng luật giao thông, tôn trọng các phương tiện giao thông khác và tôn trọng chính mình; biết tự bảo vệ và đừng tự trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn cho bản thân.

Bên cạnh đó, lực lượng có trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm thì mới bảo đảm công bằng trong việc tham gia giao thông của các đối tượng, tăng tính răn đe với những người điều khiển xe đạp. Và hơn nữa là các biện pháp tuyên truyền giáo dục để “phương tiện xanh” không trở thành hiểm họa trên đường phố.