Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, không ít học sinh (HS) lớp 12 và phụ huynh băn khoăn, lo lắng: Không thi đại học (ĐH) thì xét tốt nghiệp THPT sẽ khó hơn? Cấu trúc đề thi sẽ xây dựng thế nào?...

Đều có cơ hội học đại học

Khá nhiều băn khoăn của HS hiện diện ở thời điểm này: Thí sinh (TS) thi tại cụm thi địa phương có được học ĐH hay chỉ được xét tốt nghiệp? Có sự phân biệt nào giữa TS thi tại cụm thi ở địa phương và TS thi tại cụm do các trường ĐH chủ trì?

Giải đáp những thắc mắc này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định, tất cả TS đều có cơ hội học ĐH dù thi ở cụm thi nào.

 
Các thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi trường THPT Kim Liên tháng 6/2014.  	Ảnh: Quỳnh Linh
Các thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi trường THPT Kim Liên tháng 6/2014. Ảnh: Quỳnh Linh
Vấn đề liên quan đến cụm thi sẽ được quy định cụ thể trong quy chế. Tuy nhiên, khi đăng ký dự thi, TS phải đăng ký về mục đích của dự thi (xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ hoặc cả hai). "Sẽ không có sự phân biệt lớn giữa đối tượng TS thi tại cụm thi địa phương và TS thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Những TS dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH theo Đề án tuyển sinh riêng, chỉ có điều là ít có cơ hội hơn vì phụ thuộc vào quy định của từng trường. Do đó, TS có nguyện vọng cần theo dõi thông tin về Đề án tuyển sinh riêng của các trường để đăng ký tuyển sinh, tận dụng cơ hội học ĐH" - ông Nghĩa cho hay.

Riêng với nỗi lo lắng về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT giảm nếu áp dụng phương án thi mới, nhà quản lý giáo dục dự đoán, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tỷ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều, không như kết quả thi tốt nghiệp năm 2007. Bộ sẽ công bố công khai phổ điểm, để xã hội biết chất lượng đề thi, kết quả thi của TS và các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào đó để xét tuyển.

Cấu trúc đề thi sẽ được phân lớp

Đến thời điểm này, việc tổ chức dạy học, ôn tập cho HS vẫn chưa thực sự ổn định bởi còn chờ phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ. Ngoài ra, nhiều trường THPT ở Hà Nội, cả thầy và trò đều chờ đợi cấu trúc đề thi cụ thể để có hướng dạy - học.

Theo ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, việc ban hành cấu trúc đề thi sớm không chỉ tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy - học, mà còn giúp HS yên tâm trước kỳ thi có nhiều điểm mới. Việc định hướng dạy - học, cách tiếp cận nội dung từng môn học sẽ được triển khai cụ thể tới các nhà trường sau khi Bộ GD&ĐT thông báo về cấu trúc đề thi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa chia sẻ, đề thi năm nay sẽ có 2 phần cơ bản. Trong đó, phần dành để xét tốt nghiệp sẽ chỉ là kiến thức cơ bản, còn phần đề nâng cao để các trường dùng xét tuyển ĐH, CĐ. "Đề chủ yếu rơi vào chương trình lớp 12, đặc biệt phần thi tốt nghiệp. Cấu trúc đề thi sẽ giống như đề thi ĐH, CĐ năm 2014. Cấu trúc đề sẽ được phân lớp, có phần cơ bản để xét tốt nghiệp và phần nâng cao để các trường căn cứ xét tuyển. Sau kỳ thi tuyển sinh 2014, qua phân tích thì Bộ khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể dùng kỳ thi chung" - ông Nghĩa nhận định.