Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để đảm bảo kết quả học tập tốt, bởi phía trước còn những khó khăn.
“Bộ GD&ĐT có những quy định như chia 2 tỉnh có một cụm thi, có cụm thi do trường đại học (ĐH) chủ trì, có cụm do địa phương tổ chức… mới chỉ trên giấy tờ. Nhưng để làm tốt thì cực kỳ khó khăn. Đề thi là khó khăn trước mắt. Trước đây, các em phải làm bài thi 2 lần, một là bài thi tốt nghiệp THPT, sau đó tập trung làm bài thi ĐH. Như vậy, 2 bài có tính chất rõ ràng, một bài đánh giá có vượt qua được ngưỡng trung bình cần có của học sinh (HS) phổ thông không, nếu qua thì đỗ tốt nghiệp. Nhưng để tuyển vào ĐH thì phải có bài thi môn này của trường này, môn kia của trường kia để chọn ra những HS tốt hơn cả vào học, để sau này ra trường làm được việc. Nếu chúng ta chọn nhầm HS thì lãng phí thời gian và đào tạo không thành công. Bây giờ, khi 2 đề thi trong một, cần phải phân định rạch ròi HS đạt mức điểm nào là đỗ tốt nghiệp, làm được những phần nào thì đỗ ĐH là điều rất khó, nhất là khi chúng ta chưa có kinh nghiệm.
Với kiểu ra đề thi “2 trong 1” chắc chắn không có nhiều em đạt điểm cao, vì các em thi tốt nghiệp cố làm cho được 5 điểm. Sẽ có tình trạng em thi tốt nghiệp làm hết các bài dễ, còn thời gian làm thêm các bài khó cũng được khoảng 6 - 7 điểm, có em thi để vào ĐH lại tập trung vào làm bài khó nhưng không ra kết quả, cuối cùng được 3 - 4 điểm. Tôi muốn nói cách ra đề thi có những câu rất dễ, khó và cực khó sẽ xảy ra chuyện HS gặp khó khăn về mặt tâm lý.
Khó khăn tiếp đến là tổ chức thi, bao gồm coi thi và chấm thi. Việc Bộ GD&ĐT tổ chức 2 loại cụm thi cũng có vấn đề. Ví dụ, 2 HS học lớp 12 ở gần nhà nhau, một em chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì thi ngay tại trường phổ thông ở địa phương do sở GD&ĐT tổ chức, HS kia muốn học ĐH nên phải đi xa để thi ở cụm riêng do trường ĐH tổ chức. Có thể làm dễ cho khâu coi thi này ở địa phương chăng? Cách làm này rất dễ xảy ra trường hợp, HS thi cụm ĐH có khả năng học khá hơn nhưng bị trượt phổ thông, còn HS có học lực kém hơn thi tốt nghiệp lại đỗ vì coi thi dễ. Hay chúng ta đều mong muốn có sự công bằng trong chấm thi. Thế nhưng mọi năm trước đã xảy ra việc có trường chấm thi môn khoa học xã hội, 2 bài làm tương tự nhau nhưng có bài chấm điểm 8, có bài chấm 5 điểm.
Tôi đề nghị, từ nay đến khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, Bộ nên tập trung vào giải quyết những chuyện đó. Từ trước đến nay, Bộ làm rất nhiều dự án, những thay đổi nhiều khi như… ở trên trời, ví dụ như quy định thang điểm 20. Dẫu sao chúng tôi vẫn tin Bộ có quyết tâm làm cho thật tốt để đánh dấu thay đổi, nếu không sẽ mất lòng tin với HS, giáo viên và xã hội”.