Để thực sự có bình đẳng giới

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động) được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.

Chủ đề được chọn cho Tháng hành động năm 2021 là "Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".

Từ năm 2016 đến nay đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động. Thực tế đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, mang lại những thành tựu đáng ghi nhận.

Cũng trong những năm qua, có một con số thường được nhắc tới khi đánh giá những thành tựu của việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đó là tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức, DN. Ví dụ, theo thống kê mới nhất tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước: Ở cấp cơ sở đạt 20,8% tăng 1,62%; cấp trên cơ sở đạt 17,4%, tăng 2,41% và ở các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, đạt 15,73% và tăng 2,72%. Cũng tương tự là kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 29%; cấp huyện là 29,8%; cấp xã là 28,98%. Trên cơ sở đó, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo trong bộ máy hành chính Nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng tăng rõ rệt.

Đó là những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác cán bộ vì mục tiêu thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy những thành tựu đó dù rất quan trọng, cơ bản nhưng chưa đủ để tạo ra bình đẳng giới một cách thực sự.

Có lẽ cũng bởi vậy mà tại lễ phát động Tháng hành động năm nay, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà đã nhấn mạnh: "Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để bảo đảm an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái".

Còn ông Kidong Park, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam trong khi đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu có tính nhạy cảm giới, đáng tin cậy, giá cả phù hợp cho người bị bạo lực.

Dưới một góc nhìn khác, có thể nói đại dịch Covid-19 đã khiến cho bất bình đẳng giới gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Theo Báo cáo về Khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, do tác động của Covid-19, thế giới sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới. Trong bối cảnh đó, việc phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và nhận được sự trợ giúp cao hơn khi thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân và DN gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 được ban hành trong thời gian qua là việc làm vô cùng ý nghĩa, cần tiếp tục phát huy.

Sau Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2021, nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động đã và đang được tổ chức với mọi quy mô, hình thức, thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp cả nước. Hy vọng các hoạt động thiết thực trong Tháng hành động năm 2021 và cả thời gian tới sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ để bình đẳng giới được thực hiện một cách thực chất và bền vững, từng bước phòng ngừa, ứng phó, tiến tới xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần