Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để trẻ em không bị xâm hại tình dục

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay quận Hoàn Kiếm có trên 34.000 trẻ em, trong đó 144 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, số trẻ em bị tai nạn thương tích giảm dần, trên địa bàn quận không có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị bạo lực.

Ngày 25/4, quận Hoàn Kiếm tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 400 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Trưởng phòng LĐTB&XH Hoàn Kiếm Bùi Bích Thủy cho biết, với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em... trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai tích cực và hiệu quả nhiều giải pháp.
 Học sinh quận Hoàn Kiếm được trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại. Ảnh: Quỳnh Anh
Trong đó, quận đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em. Để đảm bảo cuộc sống an toàn cho trẻ em, Hoàn Kiếm đã phòng ngừa, xử lý có hiệu quả, hiệu lực các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em...

“Những giải pháp đó góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em được chăm sóc, phát triển toàn diện và sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Nhận thức của xã hội, người dân, về trách nhiệm và lên tiếng tố cáo bạo lực, xâm hại tình dục ngày càng được nâng lên. Số trẻ em bị tai nạn thương tích giảm dần, trên địa bàn quận không có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị bạo lực. Trẻ được đảm bảo quyền theo luật định. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, bảo vệ”- bà Thủy nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng LĐTB&XH Hoàn Kiếm, để trẻ em không bị xâm hại tình dục, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất được quận thực hiện là truyền thông. Trong đó, học sinh - nhóm bị tổn thương được quan tâm hàng đầu. “Nhiều năm nay, quận Hoàn Kiếm thực hiện truyền thông trong trường tiểu học, THCS và thậm chí gần đây là trường mầm non. Trong những buổi truyền thông này, học sinh sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về cách ửng xử với bạn học, giữa học sinh với thầy cô, học sinh với người lạ. Các em cũng được truyền thông để hiểu khi người lớn động vào thân thể mình như thế nào thì phải biết phản ứng, lên tiếng” – bà Thủy nhấn mạnh.

Ở địa phương, bố mẹ, ông bà cũng được tập huấn qua nhiều kênh về cách phòng ngừa; phát hiện ra được những biểu hiện con cháu bị xâm hại để lên tiếng, tố cáo.

Tại buổi tập huấn, các học viên được hướng dẫn công tác thu thập, ghi chép, quản lý số liệu trẻ em. Cùng với đó, được hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực. Đặc biệt là trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận và hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.