Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để trẻ học tốt ngoại ngữ: Cần kiểm tra, đánh giá thường xuyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ đang trở thành yêu cầu thiết yếu, do đó rất nhiều phụ huynh không tiếc tiền cho con đi học.

Tuy nhiên, học vào thời điểm nào, học thế nào cho hiệu quả… thì không phải phụ huynh nào cũng hiểu.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, có con học tại trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, vẫn chưa yên tâm dù đã cho cậu con trai đi học tiếng Anh ở khá nhiều nơi, từ trung tâm lớn như Apollo đến học riêng tại nhà cô giáo. “Khoảng 2 năm nay, tính sơ cũng tốn cả vài chục triệu cho cháu học tiếng Anh. Khi gặp người nước ngoài, cháu giao tiếp khá tốt, tự tin, nhưng tôi chưa yên tâm về hiệu quả học tập của con. Bởi các giáo viên nước ngoài phát âm chuẩn, nhưng lại có nhược điểm là không dạy các con tỉ mỉ, phát âm chuẩn nhưng lại thiếu trình độ đọc hiểu và viết dưới tiêu chuẩn chung của trường công lập mà các cháu đang học” – anh Thắng bày tỏ. Quả là như nhiều phụ huynh nhận định, khi con thi vào các lớp chọn, lớp chuyên ngữ mới bộc lộ rõ hạn chế của việc học không toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

 
Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học tiếng Anh của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Trên thực tế, tại các nước phát triển, việc cho trẻ nhỏ học ngoại ngữ được diễn ra từ rất sớm. Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch Công ty IIG Việt Nam (đơn vị khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và cung cấp bài thi tiếng Anh) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, các em nhỏ bắt đầu học ngoại ngữ từ năm 4 tuổi thường có khả năng tiếp thu và vận dụng ngoại ngữ rất tốt, song việc học phải đi kèm kiểm tra, đánh giá. Đây sẽ là cơ sở để phụ huynh cũng như thầy cô giáo có những điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp thu của từng trẻ. Mặc dù chưa đưa ra số liệu thống kê đầy đủ, nhưng qua cuộc thi tiếng Anh cho học sinh (HS) tiểu học và THCS theo chuẩn quốc tế, IIG Việt Nam nhận định, HS giỏi tiếng Anh thường rơi vào các nhóm trường quốc tế hoặc có học tiếng Anh tăng cường.

Ngay tại cuộc thi tiếng Anh của HS THCS mới đây (cuộc thi Vô địch TOEFL Junior 2014 do IIG Việt Nam – Đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) tại Việt Nam tổ chức), ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, TP hiện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho đề án dạy ngoại ngữ trong trường học. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đa dạng hóa các loại hình học tập, tạo ra các sân chơi chất lượng cho HS và xác định năng lực học ngoại ngữ bằng thang đo chuẩn quốc tế”. Cũng theo ông Quang, TP đang định hướng đồng bộ chương trình ngoại ngữ trong trường với các chứng chỉ quốc tế để khuyến khích phong trào học ngoại ngữ của HS và tránh sự lãng phí do trùng lặp kiến thức bộ môn này khi giảng dạy trong nhà trường.