Để việc cưới, tang thực sự văn minh

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại căn biệt thự to rộng trên đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhạc đám cưới xập xình. Ngoài trang hoàng khuôn viên trong nhà và ngoài sân, chủ nhà còn lấn vỉa hè và nửa lòng đường để dựng rạp. Văn minh đám cưới, đám tang đang bị làm ngơ giữa lòng phố thị.

Dựng rạp dưới lòng đường vừa vi phạm luật ATGT vừa dễ xảy ra tai nạn khôn lường. Ảnh: Hữu Tuấn
Nhiều sự việc đau lòng
Tình trạng đám cưới tràn lòng đường để dựng rạp, không chỉ diễn ra ở căn biệt thự sang trọng trên đường Nguyễn Chánh mà còn diễn ra khắp nơi ở Hà Nội. Vào mùa cưới, từ khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, đến các khu đô thị mới ở Yên Hòa, Mỹ Đình, Dương Nội… cũng dễ dàng chứng kiến cảnh chiếm dụng lòng đường vì mục đích sử dụng riêng của gia đình. Nhiều nhà "lịch sự" dựng biển ở đầu đường: "Nhà có đám, xin mọi người thông cảm; xin lỗi đã làm phiền". Thế nhưng, hành động thiếu văn minh gây không ít phiền toái cho người đi đường. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT liên quan đến việc người dân tự ý dựng rạp phục vụ đám ma, cưới hỏi trên hè phố và lòng đường.

Điển hình vụ tai nạn trên Quốc lộ 70 đoạn qua xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình, Yên Bái), xe đầu kéo mất lái đâm vào một đám cưới dựng rạp trên quốc lộ, rất may xe đã dừng lại khi lao vào một hố rãnh. Sự việc khiến nhiều người trong đám cưới hoảng hốt bỏ chạy. May mắn không có thiệt hại về người. Tiếp đó, tại TP Quy Nhơn, Bình Định, xảy ra vụ tai nạn ô tô Lexus đâm vào đội dịch vụ tang lễ xếp hàng dưới lề đường, khiến 4 người chết, 5 người bị thương nặng.

Hãy thực hiện nếp sống văn minh

Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Theo đó, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Khi sử dụng một phần hè phố, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m. Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

Đối với các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới thì chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định tại Điều 25a của Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/9/2013 quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong trường hợp: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.

Việc dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Thực hiện nếp cưới, tang văn minh, ngành văn hóa cũng quy định không được chiếm dụng lòng đường, vỉa hè tổ chức đám cưới, đám tang... Thế nhưng, hầu hết các địa phương đều giải quyết trên tinh thần chia sẻ khi nhà có việc, chưa mấy đơn vị mạnh tay xử phạt để làm gương.