Để Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi kinh tế

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là giải pháp đặc biệt quan trọng. Khi các khó khăn, vướng mắc về thể chế được tháo gỡ, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực, cơ hội để nối lại chuỗi cung ứng và hội nhập với thế giới.

Đó là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh các biện pháp phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng khoảng dịch Covid-19.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Vẫn thiếu giải pháp chiến lược và nguồn lực đủ lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ không được đảm bảo là nguyên nhân làm đứt gãy chuỗi cung ứng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là hệ lụy do những quy định về phòng, chống dịch Covid-19 rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương trong thời gian qua. Ngành công nghiệp có đặc tính là sự kết nối sản xuất theo chuỗi mà không phân biệt địa giới hành chính. Bởi vậy, rào cản lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của DN.

Do đó, điều kiện tiên quyết và cốt lõi để phục hồi kinh tế là phải khống chế dịch một cách căn bản, tạo tiền đề để nhiều quy định về phòng, chống dịch bệnh được điều chỉnh, sửa đổi nhằm đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho DN, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng. Đặc biệt là khẩn trương bắt tay vào thực hiện các giải pháp bảo vệ, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, hạn chế nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Nếu để điều này xảy ra và kéo dài thì đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, DN chúng ta rất khó nối lại các mối quan hệ giao thương đã mất.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong các hội nghị, diễn đàn gần đây. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ DN đã được Chính phủ triển khai?

- Thời gian qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, người dân. Tổng các gói hỗ trợ từ đầu năm 2021 đến nay đạt khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương với 2,84% GDP. Tất nhiên, so sánh với các nước xung quanh thì có thể quy mô gói hỗ trợ vẫn còn thấp. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ việc triển khai các gói hỗ trợ ấy có đạt được kỳ vọng, mục tiêu không lại là chuyện khác. Cũng có thể hiểu đó là các chính sách ngắn hạn. Còn về tổng thể, dài hạn thì cần một chiến lược với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.
 Sản xuất thiết bị điện tử tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Mở cửa nền kinh tế đi đôi với phủ rộng tiêm vaccine

Tại Hội nghị T.Ư 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về yêu cầu bảo vệ DN, không được để đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), cũng không được lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới. Điều này nên được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Ở góc độ của tôi thì tôi hiểu là khi có chiến lược và nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, cần phải triển khai nhanh để tăng năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế cũng như tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Tiếp đó là phải xác định được trọng tâm, trọng điểm lĩnh vực cần ưu tiên, hỗ trợ. Chẳng hạn, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: Du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, vận tải hành khách. Cùng với đó là các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.

Vậy theo ông đâu là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế nói chung và vực dậy DN nói riêng?

- Mới đây, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tôi cho rằng, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây cũng là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để phục hồi kinh tế. Nghị quyết 128 cũng tích hợp các nguyên tắc cơ bản của “bình thường mới”, tăng tính chủ động cho DN, người dân và tạo sự thống nhất trong phòng chống dịch từ T.Ư đến địa phương tốt hơn.

Về kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế, tôi cho rằng kịch bản này phải tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Cùng với đó, là sự nỗ lực của chính bản thân DN sẽ là tạo tiền đề cho kinh tế dần hồi phục.

Lại nhắc đến vaccine, phải chăng đây là điều kiện cần và đủ để thực hiện mục tiêu kép?

- Đúng là như vậy. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch, kể cả khi các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Do đó, để đạt được mục tiêu kép, chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân cần gắn chặt với việc mở cửa nền kinh tế. Trong đó bao gồm các vấn đề như tăng năng lực của các sơ sở y tế, tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, vừa mở cửa trở lại vừa bảo đảm hệ thống y tế hoạt động thông suốt, hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Chương trình này phải được đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.

Trên thực tế, những quốc gia có sự phục hồi kinh tế nhanh cũng là những nơi có độ phủ vaccine rộng và sớm. Mặt khác, các quốc gia bắt đầu mở cửa giao thương trong thời kỳ bình thường mới đang có xu hướng ưu tiên làm ăn với các quốc gia và khu vực đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine để kiểm soát dịch Covid-19.

Tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội mới đây, nhiều đại diện DN đã phản ánh và kiến nghị sửa đổi một số quy phạm pháp luật đang là rào cản cho phục hồi, phát triển kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì nhiều bất cập của thể chế, của hệ thống pháp luật càng bộc lộ rõ hơn. Bởi thế, trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế tới đây, việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là khâu đặc biệt quan trọng. Thể chế đầu tư kinh doanh được hoàn thiện thì chúng ta mới có điều kiện để tiếp tục cải cách điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Thực tế, đây cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng đã giao 10 bộ rà soát các luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. Tới đây, Chính phủ dự kiến trình sửa 10 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh… theo hướng tăng thẩm quyền cho các bộ, địa phương, đơn giản quy trình, thủ tục cũng là điều đáng mừng.

Ông nhận định thế nào nếu Quốc hội chấp thuận các đề xuất cải cách thể chế của Chính phủ?

- Nếu những đề xuất cải cách thể chế của Chính phủ được Quốc hội chấp thuận thì môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được cải thiện hơn nữa. Chẳng hạn như đơn giản hơn các quy trình, thủ tục phê duyệt các dự án thì DN sẽ được hưởng lợi, các địa phương thực hiện tốt thẩm quyền được phân công thì kinh tế - xã hội có cơ hội phục hồi nhanh hơn.

Mặt khác, khi các khó khăn, vướng mắc về thể chế được tháo gỡ thì đầu tư nước ngoài cũng được thu hút tốt hơn. Chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế. Cùng với đó, quá trình nối lại chuỗi cung ứng để hội nhập với thế giới sau phục hồi cũng sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng hỗ trợ DN vượt khó khăn. Tôi nói đơn cử, trên thực tế, các ngân hàng cũng là các DN kinh doanh, gặp khó khăn về năng lực tài chính nên khó có thể đảm đương với nhiệm vụ hạ lãi suất. Do đó, Chính phủ cần có thêm Quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng." - TS Vũ Tiến Lộc