Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để xe buýt trở thành phương tiện vận tải công cộng chủ lực

Lê Thị Khánh Linh - Nghiên cứu sinh Đại học Sư phạm Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt là xương sống của hệ thống giao thông đô thị, nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân. Vì lẽ đó, cần có thêm cơ chế khuyến khích để phát triển mạnh hơn.

Khó chiếm thị phần
Hiện tại và trong tương lai, phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng sẽ là loại hình vận tải chủ lực của Thủ đô. Tuy nhiên, dù đã có mặt ở Hà Nội gần 20 năm nay, nhưng tốc độ gia tăng người sử dụng xe buýt mỗi năm không đáng kể. Ra đời trong sự cạnh tranh gay gắt của bùng nổ xe cá nhân, gần như xe buýt bị lép vế so với xe máy, ô tô. Người dân chưa mặn mà với xe buýt cho dù giá thành rất rẻ và đi lại an toàn hơn.

Đó không phải lỗi tính chất của xe buýt. Nguyên nhân dường như nằm ở việc chưa tạo cơ chế đủ hấp dẫn để tạo thói quen cho người dân sử dụng đi xe buýt ngay từ khi còn nhỏ. Đáng chú ý, chất lượng dịch vụ xe buýt sau nhiều năm chưa có sự chuyển biến mạnh nên chưa hấp dẫn số đông người dân. Bên cạnh đó, việc không khống chế sự bùng nổ xe cá nhân khiến Hà Nội đang phải đối mặt với nạn ùn tắc và TNGT tăng nhanh. Tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị cũng trầm trọng hơn.

Người dân đi xe buýt BRT trên tuyến Lê Văn Lương. Ảnh:  Quỳnh Anh

Những giờ cao điểm trên, xe buýt thường là lúc vắng nhất, ngoại trừ một số tuyến chốt đi qua nhiều trường đại học như 32, 06, 34, hành khách chủ yếu là sinh viên. Trong nội thành, tốc độ di chuyển phổ biến của xe buýt vào khoảng 25km/giờ, những lúc tắc đường, xe buýt hầu như không nhúc nhích được. Áp lực thời gian đè lên lái xe, áp lực công việc, học tập, về nhà cũng trĩu nặng trên nét mặt hành khách. Nhưng bên ngoài, xe cá nhân vẫn vô tư lấn đường chiếm không gian ưu tiên của xe buýt. Tác nhân này làm cho không ít người hiểu sai rằng “xe buýt cồng kềnh và làm tắc đường”.

Đi xe buýt giành…phần thưởng?

Để người dân mặn mà với xe buýt và để cho xe buýt về với đúng tính chất là phương tiện vận tải công cộng chủ lực, cần có nhiều cơ chế khuyến khích mới, kể cả một số cách thương mại hóa. Ví dụ như trên mỗi tem vé tháng có một mã số riêng, hàng tháng dưới hình thức quay thưởng ngẫu nhiên sẽ chọn ra một mã số để tặng thưởng món hiện vật nào đó như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tivi… Người dân sẽ đi làm vé tháng nhiều hơn, dù ban đầu mục đích là tìm kiếm cơ hội may mắn nhưng dần dần sẽ làm cho họ thích nghi và tận hưởng các dịch vụ tiện tích mà xe buýt mang lại.

Bên cạnh đó, cần cải tiến một số ứng dụng hiện đang vận hành chưa tốt trên xe buýt, đó là wifi thường chập chờn trên các tuyến 12, 16, 06… Hay biển báo số ki lô mét còn lại xe buýt sẽ tới cần chính xác hơn để người dân căn lịch trình chuẩn hơn. Ngoài ra, một số xe buýt ngoại thành có chất lượng không tốt như 101, 94, 6E…, khí thải thải ra rất ô nhiễm, thường xuyên hỏng xe, đi ẩu, trong thời gian tới cần nâng cấp để phục vụ đi lại của cư dân ngoại thành, các khu đô thị vệ tinh.

Hay như triển khai các nhóm dán vé tháng xe buýt theo hộ gia đình, lớp học, cơ quan. Nếu như người trong cùng gia đình cùng đi làm vé tháng sẽ được giảm bao nhiêu phần trăm phí dán vé. Nếu như cả gia đình cùng đăng ký vé tháng có thể giảm đến 50% giá dán vé xe buýt. Các cơ quan tổ chức Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích nhân viên đi làm bằng xe buýt, nhất là khối văn phòng, có thể đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua. Hoặc mở rộng đối tượng đi xe buýt không mất vé như đối với người già trên 60 tuổi, trẻ em tiểu học, người khuyết tật, người neo đơn, quân nhân đang phục vụ trong quân đội...

Ngoài các cơ chế khuyến khích sử dụng xe buýt, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực hơn nữa về tiện ích của xe buýt, hạn chế tối đa xe cá nhân, trả lại sự ưu tiên cần có cho không gian hoạt động xe buýt, đặc biệt là buýt nhanh BRT.
Đa số các quốc gia trên thế giới đều trải qua thời kỳ bùng nổ xe cá nhân mới đi đến hạn chế rồi tiếp tục đẩy mạnh giao thông công cộng. Tại Hà Nội hiện nay, có thể nói đang ở mức trầm trọng khi số xe cá nhân đã gần bằng số dân, ai cũng ngại phải ra đường từ 7 - 8 giờ sáng và ngại phải về nhà, đón con từ lúc 17 - 20 giờ vì phải hòa vào biển người dày đặc mùi xăng xe.