Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất bổ sung chế độ người phục vụ cho người có công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 54 về các vấn đề hiện không còn phù hợp với thực tiễn đời sống như: về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; chế độ ưu đãi; trách nhiệm của cơ quan chức năng thực thi ưu đãi xã hội;...

KTĐT - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 54 về các vấn đề hiện không còn phù hợp với thực tiễn đời sống như: về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; chế độ ưu đãi; trách nhiệm của cơ quan chức năng thực thi ưu đãi xã hội;...

Sau 5 năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP (Nghị định 54) ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã bộc lộ một số vướng mắc, đòi hỏi cần phải được sửa đổi, bổ sung. 
 
Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 54 về các vấn đề hiện không còn phù hợp với thực tiễn đời sống như: về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công; chế độ ưu đãi; trách nhiệm của cơ quan chức năng thực thi ưu đãi xã hội;...

Thay đổi điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công

Nghị định 54 đã quy định cụ thể điều kiện xác nhận liệt sĩ (LS), thương binh (TB), trong đó có trường hợp khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt LS ở rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, công tác tìm kiếm quy tập mộ LS là công việc đặc biệt khó khăn gian khổ trên nhiều địa bàn phức tạp khác nhau, không chỉ ở vùng rừng núi, hải đảo, nước ngoài. Bởi vậy, điều kiện chung nhất để xác nhận là TB, LS, bệnh binh đó là: người này bị thương, bị chết, hoặc bị bệnh trong quá trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.

Do đó, dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng: Trong thời gian làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập mộ LS nói chung (không chỉ ở vùng rừng núi, hải đảo và nước ngoài) nếu bị thương, bị chết, bị ốm đau bệnh tật thì được xác nhận là thương binh, liệt sĩ, bệnh binh.

Một điểm mới khác của dự thảo là đã quy định rõ: Trường hợp TB, người hưởng chính sách như TB bị chết do vết thương tái phát sẽ không áp dụng đối với TB loại B (những người bị thương trong lao động, sản xuất, tập luyện… trong thời bình).

Bổ sung chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài trợ cấp nuôi dưỡng, phụ cấp hàng tháng, chế độ mai táng… đã được quy định trong Nghị định 54, dự thảo bổ sung thêm chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tức là người phục vụ sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung thêm chế độ người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên bị bệnh, tật đặc biệt nặng, dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt.

Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 4.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và có 4.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc hóa học bị bệnh, tật nặng không tự chủ được trong sinh hoạt.

Nếu chi chế độ người phục vụ cho 2 đối tượng trên với mức 990.000 đồng/tháng thì tổng kinh phí dự kiến chi bổ sung trợ cấp là 100,98 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, có khoảng 20.000 thương, bệnh binh, 60.000 bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, già yếu, 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng, được Nhà nước chu cấp, các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời. Có 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được giải quyết nhà ở; 1.104.000 người được cấp bảo hiểm y tế; hàng chục vạn thanh niên xung phong, người bị nhiễm chất độc da cam được trợ cấp. Ngoài ra, có thêm hàng vạn hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, tìm ra danh tính, quê quán từ năm 1975 đến nay…

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện việc đền ơn, đáp nghĩa với những người có công bằng nhiều hình thức phong phú như: xây nhà tình nghĩa (đã tặng được 244.000 nhà), xây và chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ (hơn 3.000 nghĩa trang), xây nhà bia (1.995 nhà), lập vườn cây tình nghĩa (14.700 vườn), quỹ đền ơn đáp nghĩa (1.400 tỷ đồng), quỹ học bổng, quỹ chăm sóc y tế…

Nhờ sự quan tâm này, 90% gia đình người có công đã có cuộc sống ổn định, bằng hoặc hơn mức sống trung bình tại địa phương, con em và gia đình người có công được học hành, nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, công tác.