Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tổ chức giao thông đối với các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh; trong đó sẽ cấm các loại phương tiện này vào khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Sau khi làm việc với các quận, huyện, Sở Giao thông Vận tải đề xuất phương án tổ chức giao thông cho các loại phương tiện trên theo từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2021 sẽ điều chỉnh phạm vi hoạt động, sử dụng vành đai nội đô TP để hạn chế lưu thông.
Theo đó, khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ cấm xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông vào các tuyến đường gồm: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP khu vực nội đô TP được giới hạn bên trong các tuyến vành đai như sau: Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống – Võ Chí Công – cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất cấm các loại xe nói trên vào một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm như: Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Trường Sơn), đường Trường Sơn (đoạn từ đường Phan Đình Giót đến đường Hồng Hà), đường Trần Quốc Hoàn, đường Hoàng Văn Thụ, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ đường Nguyền Văn Trỗi đến đường Điện Biên Phủ), đường Võ Vãn Kiệt (đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Tôn Đức Thắng).
Thời gian cấm từ 5- 13 giờ và từ 16 – 22 giờ hàng ngày.
Giai đoạn năm 2022 trở đi, TP Hồ Chí Minh điều chỉnh thời gian cấm xe vào nội đô và một số tuyến đường từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
Ngoài ra, về tình hình quản lý, sử dụng loại phương tiện chở hàng 4 bánh có gắn động cơ (thường gọi là xe 50TĐ), Sở Giao thông Vận tải TP nhìn nhận loại xe này có thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong những đường nhỏ nhưng lại thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép. Các chủ phương tiện tự cơi nới thùng hàng hoặc thay thế các bộ phận mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Do vậy, thường không đảm bảo các yêu cầu về an toàn chất lượng và bảo vệ môi trường, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông hoặc gián tiếp gây tai nạn giao thông.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết hiện chưa có Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe chở hàng, chở người 4 bánh có gắn động cơ nên không có cơ sở đối chiếu khi sản xuất các phương tiện này.