Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cho buýt thường đi chung làn với buýt nhanh: Tính toán kỹ phương án lưu thông

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến đề xuất cho xe buýt thường đi chung làn dành riêng với xe buýt nhanh BRT, nhiều ý kiến cho rằng, cần thận trọng và tính toán kỹ phương án lưu thông bởi sự khác biệt cơ bản về kết cấu cửa lên xuống của 2 loại phương tiện.

Khó khăn đón trả khách
Dù mới được đưa ra dưới hình thức ý kiến đề xuất, phương án cho xe buýt thường đi chung làn với xe buýt nhanh BRT đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Xe buýt BRT vận hành trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Thanh Hải
Điều dễ nhận ra, 2 loại xe buýt nêu trên có khác biệt cơ bản là cửa lên xuống. Xe buýt thường cửa lên xuống đặt bên sườn phải để thuận tiện, đồng bộ với các điểm dừng chờ nằm bên tay phải chiều lưu thông. Còn xe buýt BRT lại đặt cửa bên trái sườn xe và có trang bị cảm biến tự động kết nối với cửa nhà chờ, do làn đường riêng và nhà chờ nằm sát dải phân cách giữa tuyến đường lưu thông. Sự khác biệt này dẫn đến một vấn đề khá “rắc rối” là nếu xe buýt thường đi vào làn BRT, thì không có điểm lên xuống cho hành khách. Cũng vì thế, có nhiều ý kiến đồn đoán rằng, có thể đơn vị vận hành sẽ cho đổi cửa lên xuống của xe buýt thường về cùng một bên trái như xe buýt BRT.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, biện pháp này hoàn toàn không khả thi. Thứ nhất, buýt thường không được trang bị cảm biến tự động kết nối mở cửa nhà chờ như buýt BRT; Thứ hai, tuyến buýt thường không trùng lộ trình hoàn toàn với buýt BRT. “Giả sử đổi cửa buýt thường sang bên phải, thì những đoạn đi riêng, không có làn BRT ở giữa, hành khách sẽ phải lên xuống xe buýt thường thế nào? Có thể khẳng định, đổi cửa không giải quyết được vấn đề” - ông Nga nhấn mạnh.

Loại trừ phương án đổi cửa cho xe buýt thường, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại về việc đón trả khách của xe buýt thường. Hiện trên tuyến Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, cứ khoảng 500 - 700m lại có một điểm dừng. Nếu đi chung làn, không đổi cửa, xe buýt thường sẽ liên tục phải cắt chéo qua dòng phương tiện để đón trả khách. Với mật độ giao thông rất cao trên tuyến đường này, việc ra vào đón khách như trên có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng lưu thông của tất cả các phương tiện.

Có mặt lợi

Bên cạnh những ý kiến phản biện, đề xuất cho xe buýt thường đi chung làn với buýt BRT cũng nhận được không ít sự ủng hộ. Hầu hết các ý kiến đồng thuận với đề xuất này đều cho rằng, cho 2 loại xe buýt lưu thông chung sẽ giúp tận dụng tối đa diện tích đường giao thông trên trục Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa. Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chia sẻ, hiện trên tuyến đường có xe buýt BRT vẫn có những tuyến buýt thường chạy song song. Tỷ lệ chiếm diện tích lưu thông của cả 2 loại xe buýt là cao hơn hẳn các tuyến đường khác. Nếu dồn 2 loại vào chung một làn có thể mở rộng thêm không gian lưu thông cho các phương tiện khác.

Một số chuyên gia cho rằng, tuyến BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa hiện chưa có sự kết nối, hỗ trợ từ đường sắt đô thị cũng như các tuyến BRT khác, nên chưa thể hình thành mạng lưới vận tải khối lượng lớn đồng bộ. Trong lúc chờ đợi hoàn thiện mạng lưới, tìm cách cho xe buýt thường đi chung làn với BRT để tối ưu khả năng lưu thông là việc nên làm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông chia sẻ: “Đó là cơ quan chức năng đang tìm cách làm lợi nhất cho giao thông Hà Nội, rất đáng hoan nghênh và cổ vũ. Còn những ý kiến võ đoán, phiến diện chẳng giúp được gì cho giao thông Hà Nội hết”.

Với đề xuất cho các phương tiện thông thường đi vào làn xe buýt BRT từ 23 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau cũng rất được giới chuyên gia đồng tình. Trong đó, ông Đặng Chí Nga phân tích, hiện trên tuyến BRT có lắp camera phục vụ xử phạt nguội. Nếu không có quy định cụ thể, hợp thức thì dù là nửa đêm, xe cá nhân đi vào làn vẫn có thể bị phạt nguội.