Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa chính thức có văn bản đề xuất Bộ GTVT đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.Cụ thể, hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất nhằm mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay.
Hệ thống sẽ giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập. Đồng thời, yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn thiết bị phát hiện vật ngoại lai tại sân bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành.
Tổng mức đầu tư hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỷ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỷ đồng.
Đây là hệ thống thiết bị công nghệ mới, lần đầu áp dụng ở Việt Nam nên việc khái toán tổng mức đầu tư trong bước lập đề xuất dự án chủ yếu dựa trên cơ sở tham khảo báo giá của các nhà đầu tư quan tâm. Khi triển khai các bước tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế dự toán), tổng mức đầu tư và dự toán sẽ được tư vấn tính toán chi tiết hơn và được thẩm tra, thẩm định theo quy định.
Trong đề xuất gửi Bộ GTVT lần này, Cục Hàng không cũng đề xuất 3 phương án đầu tư. Theo đó, phương án 1, sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2, do người khai thác cảng (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hoá theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Trong đó, phương án 1 được Cục Hàng không đánh giá là không khả thi do nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Với phương án 2, Bộ GTVT giao ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành. ACV cũng chịu trách nhiệm tính toán, cân đối nguồn tiền để tiến hành đầu tư ban đầu và hoàn vốn.
Với phương án 3, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng dự án với thực hiện với các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thoả thuận với nhà đầu tư. Theo đó, sau khi hoàn tất việc lắp đặt hệ thống, nhà đầu tư sẽ chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này lại giao cho người khai thác CHK, sân bay quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống.
Về phương án hoàn vốn, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT ưu tiên phương án 2, nếu không được mới thực hiện phương án 3.