Hội thảo khoa học ''Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Góp ý dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi''

Đề xuất giải pháp khắc phục bất cập về khung giá đất

TS. Lê Phương Linh- Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/10, tại TP Hòa Bình, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) tổ chức Hội thảo “Chính sách đất đai trong nông nghiệp-Góp ý Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi” khu vực miền núi phía Bắc.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội; TS Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn; đại diện lãnh đạo một số cơ quan hữu quan ở Trung ương và TP Hà Nội; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; các nhà khoa học của một số trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn TP Hà Nội, lãnh đạo trường chính trị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, cùng các giảng viên, nhà khoa học của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội.

PGS.TS. Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội chủ trì Hội thảo
PGS.TS. Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội chủ trì Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Thành uỷ Hà Nội) nhấn mạnh, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được nói trên, PGS.TS Phạm Minh Anh cho rằng: Chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã đề cập đến những chủ đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của mọi ngành, mọi giới như: Quyền sở hữu tài sản trên đất, việc thu hồi, tích tụ đất đai gắn với lợi ích của rất nhiều chủ thể, nhất là người dân. Nhiều câu hỏi rất lớn đã được nêu ra như việc thu hồi đất gắn với vấn đề nông lâm, ngân hàng về đất, cách thức xác định khung giá đất hay quy định cho những khu vực đặc thù, đất tín ngưỡng hay cơ chế nào để Luật, chính sách đất đai thực sự vận hành được trong thực tiễn.

Đồng thời, xuyên suốt toàn bộ Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai 2013, loại bỏ các lỗ hổng còn tồn tại, hướng đến hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, tạo những đột phá trong cải cách thể chế chính là “liều thuốc” hóa giải những xung đột, mâu thuẫn, hành vi tiêu cực; tạo môi trường pháp lý lành mạnh để phù hợp với những biến chuyển nhanh chóng của thị trường bất động sản, khơi thông nguồn lực to lớn từ đất, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đất.

Tại hội thảo, TS. Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai trong nông nghiệp. Lấy ví dụ về cách làm của Nhật Bản, TS. Phan Văn Ngọc cho biết từ năm 1980, quốc gia này đã thực hiện chương trình “Đẩy mạnh sử dụng đất nông nghiệp”.

Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý, PGS.TS. Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội khẳng định sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý, trình các cấp có thẩm quyền tham góp trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai 2013, nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả về quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng mục tiêu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra.