Tăng sức mua
Trước tình trạng ảm đạm của thị trường ô tô giai đoạn đầu năm nay, cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Với động thái này, nhiều khả năng thời gian tới, ngành ô tô Việt Nam có lần thứ 4 được áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ.
Từ năm 2020, Chính phủ đã 3 lần áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cụ thể, lần đầu tiên áp dụng vào nửa cuối năm 2020, lần thứ hai từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, lần thứ ba là vào nửa cuối năm 2023.
Chính sách này đã hỗ trợ tài chính cho người dân, DN qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp kích cầu để người dân tăng mua sắm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; DN phân phối tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho.
Theo báo cáo, trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách này, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu hơn 200.000 xe, tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm. Tương tự, trong đợt giảm lệ phí trước bạ thứ hai của Chính phủ, lượng ô tô nội địa đăng ký trước bạ lần đầu tăng 2,67 lần so với tháng trước đó…
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe trong nước, nguồn thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm 50% lệ phí trước bạ này khiến tiêu thụ xe gia tăng, từ đó kéo theo thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt tăng. Mức tăng này đã bù đắp được phần giảm thu về lệ phí trước bạ, và mang lại nguồn thu lớn hơn kế hoạch đã đề ra".
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, thị trường ô tô trong nước vẫn chưa có sự khởi sắc so với năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường ô tô nội địa lao dốc, các chuyên gia kinh tế nhận định việc Chính phủ áp dụng giảm lệ phí trước bạ sẽ là giải pháp hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ngành ô tô trong nước. Các DN và người tiêu dùng trong nước đang mong đợi đợt giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 này của Chính phủ trong nửa cuối năm 2024.
Thấp thỏm chờ đợi
Sau thời điểm có thông tin Chính phủ đang nghiên cứu việc tiếp tục áp dụng giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, lượng khách mua xe giảm rõ rệt.
Một nhân viên bán hàng của Toyota, Chi nhánh Mỹ Đình cho biết, với một số dòng xe trong nước, doanh số bị ảnh hưởng trước thông tin giảm phí trước bạ. Nhiều khách hàng khi đến tham khảo xe bày tỏ ý muốn chờ chính sách này được áp dụng mới xuống tiền mua xe. Trong khi chờ chính sách mới, DN và đại lý bán ô tô vẫn áp dụng các chương trình ưu đãi như giảm trực tiếp trên giá xe, tặng bảo hiểm xe,... để thu hút khách hàng, kích cầu mua sắm.
Anh Nguyễn Quang Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tại tôi đang có nhu cầu mua xe để gia đình đi chơi trong dịp Hè. Nếu chính sách giảm 50% phí trước bạ cho ô tô nội địa được áp dụng sớm thì tôi sẽ chờ thêm một thời gian nữa mới mua xe để có thể tiết kiệm thêm vài chục triệu đồng”.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân không cao, ảnh hưởng lớn đến sức mua của thị trường ô tô. Để giải bài toán tiêu thụ cũng như tạo điều kiện để các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển, ưu đãi lệ phí trước bạ cần được thông qua sớm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Nếu không hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ thì khả năng kích cầu tiêu dùng rất nhỏ, khiến thị trường xe tiếp tục duy trì màu sắc ảm đạm như thời gian qua. Mặt khác, chính sách này cũng không quá ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước”.
Trước phương án giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, các nhà đầu tư, thương hiệu ô tô nhập khẩu cho rằng có sự không công bằng ở đây. Tuy nhiên, lý giải về nguyên nhân này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Hoạt động đầu tư trong nước tạo công ăn việc làm, tháo gỡ những khó khăn cho người dân Việt Nam. Vì thế nên việc áp dụng giảm 50% thuế trước bạ cho xe nội địa là phù hợp trong điều kiện, hoàn cảnh sản xuất còn nhiều khó khăn và người lao động đang không có công ăn việc làm”.
Từ nay đến cuối năm, với các chính sách tăng lương, tiếp tục giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng cũng như giảm lệ phí trước bạ (có thể được áp dụng), kỳ vọng thị trường ô tô sẽ ấm hơn và các hoạt động khác cũng khởi sắc theo.