Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất giảm tai nạn giao thông trên đường cao tốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tiễn công tác, để làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông , an ninh, trật tự an toàn xã hội trên đường, hành lang đường cao tốc, ông Phạm Đăng Đức, Phó Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc đã có những kiến nghị, đề xuất.

Theo ông Phạm Đăng Đức, Bộ Công an cần sớm ban hành Đề án bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường cao tốc đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030. Nhất quán chỉ đạo bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm (XLVP) liên tuyến cao tốc, không bố trí lực lượng chia cắt theo phạm vi hành chính địa phương; trước mắt sớm ban hành Thông tư quy định hoạt động TTKS, XLVP của lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường cao tốc.

Bộ Giao thông chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các nhà thầu xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình trên các tuyến đường cao tốc. Hiện nay hầu hết trên các tuyến đường cao tốc còn thiếu các hạng mục như: Trạm dừng chân, đường gom dân sinh, rào chắn, hộ lan bảo vệ đường, hệ thống camera giám sát…, trước mắt rà soát lại việc quy định tốc độ cho phép các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc. Thực trạng trên tất cả các tuyến đường cao tốc đang còn thi công các hạng mục còn thiếu, nhưng đã cho phép tốc độ tối đa 120 km/h, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông (TNGT).

 
Một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên.  Ảnh minh họa.
Một vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên. Ảnh minh họa.
Cũng theo ông Phạm Đăng Đức, cấp ủy và chính quyền các cấp dọc trên các tuyến đường cao tốc đi qua, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân sống ven đường cao tốc hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác đường cao tốc. Trong đó tập trung vào các việc như: Không xâm phạm hành lang an toàn giao thông (trồng cây, thả súc vật, đào cống rãnh…), không đi bộ, đi xe thô sơ lên đường cao tốc, không trộm cắp, tháo rỡ vật tư thiết bị trên đường, hàng rào, không xả nước, đổ rác, ném đất đá… lên đường cao tốc. Công an các đơn vị, địa phương trên dọc tuyến đường cao tốc thực hiện nghiêm túc sự phân công phân cấp của Bộ Công an trong công tác điều tra xử lý các vụ TNGT, phòng, chống các loại tội phạm xâm phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội dọc tuyến đường trong phạm vi địa phương đảm trách.

Cũng theo ông Phạm Đăng Đức, lực lượng Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ TTKS, XLVP trên các tuyến đường cao tốc, chủ động nắm chắc tình hình trên tuyến, huy động lực lượng, phương tiện đủ mạnh để tuần tra khép kín địa bàn, 24/24 h trong ngày, chủ động phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT trên đường cao tốc, như: Chạy quá tốc độ quy định, chạy dưới tốc độ tối thiểu, không tuân thủ quy định về dừng, đỗ trên đường cao tốc, không tuân thủ các quy định vào, ra đường cao tốc, chuyển làn đường không tín hiệu báo trước, không giữ khoảng cách an toàn theo quy định, xe quá tải…Sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập huấn cho cán bộ chiến sỹ kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trên đường cao tốc như cháy, nổ, TNGT, ùn tắc giao thông xảy ra trên đường cao tốc, không để xảy ra TNGT chồng TNGT do lực lượng chức năng không có mặt kịp thời tại hiện trường, không làm công tác phòng vệ trước khi giải quyết tai nạn...

"Các cơ sở đào tạo lái xe, cần bổ sung, đổi mới nội dung đào tạo, chú trọng dạy các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT trên đường cao tốc, kỹ năng điều khiển xe tham gia giao thông trên đường cao tốc, như: Kiểm tra kỹ thuật xe về phanh, độ căng của lốp, đèn tín hiệu, nước làm mát…chỉ khi đảm bảo an toàn mới tham gia giao thông trên đường cao tốc; khi gặp sự cố kỹ thuật trên đường phải đưa xe vào làn đường dừng khẩn cấp, bật tín hiệu đèn xi nhan 4 chiều, làm phòng vệ phía sau xe, điện báo vào số điện thoại khẩn Trung tâm điều hành đường cao tốc để được bố trí cứu hộ, tuân thủ các quy định trên đường cao tốc...", ông Phạm Đăng Đức nói. 

Tính đến 30/9/2015  Việt Nam  đã xây dựng và đưa vào khai thác 6 tuyến đường cao tốc, có tổng chiều dài 598,283 km, gồm: Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều dài 262 km; tuyến Hà Nội- Thái Nguyên chiều dài 64 km; tuyến Hà Nội- Hải Phòng chiều dài 97,7 km; tuyến thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương chiều dài 39,8 km; tuyến thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây chiều dài 54,983 km; tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ - Ninh Bình chiều dài 79,8 km.

Tuy nhiên, đường cao tốc Việt Nam vẫn còn rất mới đối với người tham gia giao thông, người dân sinh sống, sản xuất dọc tuyến đường cao tốc, mới với cả cơ quan chức năng làm công tác bảo đảm TTATGT, an ninh, TTXH trên đường và dọc hành lang tuyến đường cao tốc. Còn nhiều điều bất cập, cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận, để theo kịp, đồng bộ, phù hợp với với yêu cầu khai thác, phát huy tác dụng của đường cao tốc. 

Theo số liệu thống kê của Phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 15/4/2015 đến ngày 15/8/2015 trên 6 tuyến đường cao tốc nói trên, đã xảy ra 38 vụ TNGT (trong đó 11 vụ từ ít nghiêm trọng trở lên, 16 vụ va chạm, 11 vụ xe tự lật), làm 6 người chết, 11 người bị thương và hư hỏng 52 phương tiện các loại. Phòng Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc đã huy động hơn 27.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường cao tốc; kết quả đã xử lý phạt vi phạm hành chính 5.893 trường  hợp, tước GPLX 738  trường hợp, Kho bạc Nhà nước thu 15,264 tỷ đồng.