Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất gói 27.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đang hoàn thiện dự thảo hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 27.000 tỷ đồng với các chính sách thiết thực.

Người lao động được hỗ trợ 1,8 triệu đồng
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tác động mạnh đến DN, NLĐ trong các khu công nghiệp và đời sống của người dân. Đến ngày 1/6/2021, Việt Nam đã có 36 tỉnh, thành ghi nhận 4.407 ca nhiễm và có thể tăng thêm trong thời gian tới, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, trong thời gian tới có thể dịch bệnh tiếp tục tác động đến NLĐ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và DN có nhiều lao động của các tỉnh, TP khác. Dự báo, số lượng lao động bị ảnh hưởng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức cao nhất có thể lên tới 2.500.000 người.
 Trao tiền hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là cần thiết và cấp bách. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đang đề xuất các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (mọi chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian này vẫn được bảo đảm), dự kiến số tiền được miễn gần 3.700 tỷ đồng. Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với số tiền trên 11.000 tỷ đồng...

Đối với NLĐ, Bộ LĐTB&XH đề xuất chính sách hỗ trợ lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 1.800.000 đồng/người. Hộ kinh doanh cá thể bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ/tháng.
Trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, được hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, cách ly và tiền ăn trong thời gian điều trị, cách ly y tế tập trung, mức hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/trẻ em/ngày, kinh phí trên 70 tỷ đồng. Riêng đối với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, hỗ trợ khẩn cấp mỗi tỉnh 1 tỷ đồng để bảo đảm chi phí tiền ăn và các hỗ trợ thiết yếu khác cho trẻ em nhiễm Covid-19 và trẻ em cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Về phía DN được vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ, với lãi suất 0%.

Quy định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách

Khi biết được thông tin Bộ LĐTB&XH đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội lần thứ hai, nhiều chuyên gia, quản lý, NLĐ rất đồng tình. Bởi đây sẽ là giải pháp phục hồi sản xuất, ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các cán bộ LĐTB&XH cấp cơ sở, đại diện DN, NLĐ rất mong muốn đề xuất này sớm được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai ngay.
TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có xưởng may với vài trăm công nhân cho biết: Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, DN sản xuất của chúng tôi có 90 công nhân ở trong vùng cách ly nên không thể đi làm. Chúng tôi bị thiệt hại kép vì doanh thu giảm tới 40% và vẫn phải trả lương cho NLĐ ở trong vùng cách ly. Vì thế, nếu gói hỗ trợ 27.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, DN được vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ là rất tốt. Nhưng chúng tôi mong, có quy định về điều kiện hỗ trợ thông thoáng để DN dễ tiếp cận với nguồn vốn này.
“Ngoài những đối tượng NLĐ trên, Bộ LĐTB&XH nên có chính sách hỗ trợ cho lao động ở trong vùng cách ly không thể đi làm, mất hoàn toàn thu nhập” - ông Hoàng Xuân Hiệp đề xuất thêm.

Rút kinh nghiệm khi triển khai gói 62.000 tỷ đồng, các cán bộ phòng LĐTB&XH cấp quận, huyện mong muốn Bộ LĐTB&XH xác định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách để bên dưới cứ thế triển khai. Mọi người cũng đồng tình khi Bộ LĐTB&XH đề xuất mức hỗ trợ cho NLĐ và hộ kinh doanh tăng lên so thành 1.800.000 đồng/người và 2.000.000 đồng/hộ/tháng để giúp họ giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mọi người cũng không khỏi băn khoăn, NLĐ làm việc trong các DN và hộ kinh doanh được đề xuất hỗ trợ, trong khi đối tượng lao động làm việc ở khu vực phi chính thức như những người bán trà đá vỉa hè có thu nhập bấp bênh và chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại không được Bộ LĐTB&XH đề cập tới trong đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2. Vì thế, rất mong Bộ LĐTB&XH bổ sung đối tượng lao động là người bán trà đá vỉa hè, nhân viên quán cà phê, nhà hàng ăn để họ có kinh phí trang trải cuộc sống.

Một vấn đề nữa cũng được mọi người đặt câu hỏi đó là gói hỗ trợ 27.000 tỷ đồng được áp dụng đối với các đối tượng ở khu vực giãn cách xã hội do Chính phủ hay do cấp tỉnh quy định đối với một thôn, một làng hay một xã, một huyện? Phải làm rõ về khái niệm đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách, có quy định hết sức cụ thể để cấp địa phương căn cứ vào đó rà soát, triển khai thực hiện kịp thời.