Trong văn bản, đại diện các hiệp hội dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng dự thảo nghị định mới về các loại hình vận tải còn tồn tại nhiều điểm bất bình đẳng "không giống nhau". Đây là lỗ hổng lớn dẫn đến các doanh nghiệp phản ứng suốt 3 năm qua.
Ảnh minh họa |
Theo các hiệp hội, trong suốt 5 năm qua không có nghị định mới ban hành, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải không được đảm bảo. Nếu để ban hành càng chậm thì hiệu lực quản lý Nhà nước càng giảm.
Văn bản kiến nghị cùng một loại hình kinh doanh, cùng một sản phẩm vận tải cung cấp cho người dân, khung pháp lý cần quy định giống nhau về các điều kiện kinh doanh đảm bảo nguyên tắc công bằng, hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường taxi. Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác cũng phải tương đồng khi bản chất cùng là một loại hình taxi.
"Hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường Taxi. Các điều kiện kinh doanh khác cũng tương đồng khi bản thất cùng là một loại hình Taxi", văn bản kiến nghị.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nội dung rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô...
Trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã bổ sung vào dự thảo Nghị định về việc hộ kinh doanh cá thể được tham gia hoạt động kinh doanh loại hình xe hợp đồng, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật giao thông đường bộ, Luật dân sự và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, việc tham gia hoạt động kinh doanh của đối tượng này phải tuân thủ mọi điều kiện về kinh doanh vận tải: phải có giấy phép kinh doanh vận tải, điều kiện về lái xe và giấy phép lái xe hạng phù hợp; phải lắp thiết bị Giám sát hành trình; phải có niêm yết thông tin về hộ kinh doanh cá thể bên ngoài xe; phải có phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp; phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông; phải chịu trách nhiệm đóng thuế và những trách nhiệm liên quan đến người lao động…