Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất hỗ trợ nhà ở cho dân vùng lũ miền Trung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu điều tra khảo sát và báo cáo của các tỉnh, TP, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, tại các tỉnh miền Trung có khoảng 530 xã thuộc 14 tỉnh, TP với khoảng 780.000 hộ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, lụt.

Trong đó 260.000 hộ có nhà ở bị ngập sâu trên 1,5m. Điều kiện kinh tế khó khăn, chất lượng nhà kém là nguyên nhân căn bản khiến nhà ở tại khu vực này dễ bị sập đổ do tác động của bão, lũ.

Thí điểm thành công với 700 hộ

Thực tế đã chứng minh hiệu quả của biện pháp xây dựng nhà ở kiên cố, vượt lũ đảm bảo an toàn cho hộ gia đình nhưng do điều kiện kinh tế của phần lớn hộ gia đình nghèo (tập trung nhiều ở khu vực miền núi) nên không có khả năng để xây dựng. Thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700/700 hộ, đạt tỷ lệ 100%.

Yêu cầu về tiêu chí khi xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt là phải có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố. Giá thành xây dựng của chòi phòng tránh lũ, lụt tối thiểu 30 triệu đồng. Để có kinh phí xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt, mỗi hộ nghèo được ngân sách T.Ư hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức 10 triệu đồng/hộ; ngoài ra, huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

 
Mô hình xây dựng nhà chòi phòng tránh lũ. Ảnh: Kim Yến
Mô hình xây dựng nhà chòi phòng tránh lũ. Ảnh: Kim Yến
Từ kinh nghiệm thực hiện thí điểm, Bộ Xây dựng đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung. Về cơ bản, đề nghị áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ như quy định tại Quyết định 716/QĐ-TTg. Tuy nhiên, Bộ đề xuất những điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp hơn với thực tế. Đối tượng hỗ trợ là các hộ nghèo chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; là hộ độc lập có thời gian tối thiểu 2 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Chính sách có hiệu lực.

Hỗ trợ cho 14 tỉnh thuộc miền Trung

Theo Đề án mà Bộ Xây dựng vừa trình, các hộ được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (gọi chung là thôn) trực thuộc phường, thị trấn, xã trực thuộc thị xã, TP thuộc 14 tỉnh, TP  khu vực miền Trung, bao gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Về mức hỗ trợ và mức vay, ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ đang cư trú tại các thôn (bản) đặc biệt khó khăn: Mức hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ. Những hộ dân thuộc diện đối tượng có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt.

Đối với những hộ dân đang được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức đoàn thể, nếu có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất vay áp dụng dự kiến là 3%/năm; thời hạn vay 10 năm. Trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay. Ngoài mức hỗ trợ và mức vay thì huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng và tham gia đóng góp của hộ gia đình để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

 
Theo tổng hợp kết quả điều tra khảo sát và báo cáo của các địa phương, có 40.533 hộ nghèo và 36.449 hộ cận nghèo đang cư trú tại khu vực bị ngập lũ thuộc các tỉnh miền Trung. Bộ Xây dựng đề xuất, tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt cho hộ nghèo trong thời hạn 2 năm (từ năm 2014 - 2015) kể từ ngày chính sách có hiệu lực thi hành.