Dù mới chỉ là nghiên cứu nhưng đề án này đã vấp lại sự phản đối quyết liệt của các DN vận tải và người dân. Dễ nảy sinh xung đột trên tuyến Theo Bộ GTVT, việc tổ chức thí điểm thành lập tuyến xe buýt từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại sẽ là biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự đã và đang tồn tại trên tuyến vận tải khách liên tỉnh này. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc thiết lập tuyến xe buýt Hà Nội - Hải Phòng sẽ tạo thuận lợi cho hành khách muốn lên, xuống dọc đường, chi phí thấp hơn xe khách.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều người cho rằng, hiện nay, số lượng xe khách tham gia hoạt động trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã quá đông, việc nghiên cứu đưa xe buýt vào hoạt động trên tuyến đường này sẽ làm tăng áp lực giao thông, phản tác dụng chấn chỉnh tình trạng bảo kê, xe khách đầu gấu… đang tồn tại trên tuyến đường này. Anh Nguyễn Tuấn Cường, ở Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết, hiện nay, từ Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) xuống tận Phú Thái (Hải Dương) chỉ mất 50.000 đồng/lượt và Đồ Sơn (Hải Phòng) chỉ mất 70.000đồng/lượt ngồi xe chất lượng cao an toàn, nhanh chóng, thái độ phục vụ cũng tạm được. Vậy ai sẽ chọn xe buýt để sẵn sàng phải đứng trong quãng đường dài gần 100km từ Hà Nội xuống Hải Phòng và ngược lại. Trao đổi với chúng tôi, một số DN vận tải cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua, trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ tồn tại 2 loại hình là xe buýt và xe vận tải khách theo tuyến cố định. Theo một số DN, hiện nay, trên tuyến đường này, cứ 2 - 3 phút lại có một xe xuất bến. Do đó, nếu đưa thêm xe buýt vào hoạt động chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng trùng giờ làm nảy sinh xung đột trên tuyến. Vi phạm điều kiện về kinh doanh vận tải Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đây là đề xuất rất đáng quan tâm, bởi tuyến QL5 hiện nay có tốc độ đô thị hóa rất cao, tần suất chạy xe trên tuyến cũng rất dày, cho nên các nhà quản lý cũng muốn nghiên cứu để đưa các tuyến xe buýt hoạt động trên tuyến đường này. Tuy nhiên, nghiên cứu dù đáng quan tâm nhưng các đơn vị quản lý phải thực sự nghiêm túc. Lý giải về việc này, ông Thanh cho rằng, việc biến các phương tiện đang hoạt động vận tải khách thành xe buýt không phải muốn là làm được ngay. Bởi, xe buýt có số ghế ngồi ít hơn rất nhiều so với xe khách. Bên cạnh đó, nếu đưa xe buýt vào khai thác trên tuyến phải có những điểm dừng chờ theo quy định. Đặc biệt, ông Thanh cho rằng, đề xuất trên đang đi ngược lại các quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bởi, theo quy định hiện hành, các tuyến xe buýt không được phép chạy qua địa bàn 3 tỉnh. Theo đề xuất, tuyến xe buýt Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn 4 tỉnh là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng là sai quy định. Được biết, đề xuất nghiên cứu thí điểm mở tuyến buýt Hà Nội - Hải Phòng xuất phát từ tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh vận tải của các xe khách trên tuyến này. Và với cái mác “thí điểm”, các đơn vị có liên quan có quyền không tuân thủ theo bất cứ một quy định nào. Tuy nhiên, đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN vận tải trên tuyến. Do đó, Bộ GTVT cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tình trạng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Xe khách Hà Nội - Hải Phòng tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Thường Lệ |