KTĐT - Từ ngày 3-6 tháng 5 sẽ diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị của ADB và là sự kiện có quy mô lớn, có tầm vóc quốc tế với sự tham gia của đông đảo các tổ chức quốc tế, quan chức Chính phủ, giới tài chính ngân hàng, các nhà đầu tư, các tổ chức phi Chính phủ.
Nhân dịp này, chiều 2/5, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có buổi trao đổi với báo giới xung quanh sự kiện quan trọng này.
3.600 đại biểu tham dự Hội nghị
Xin Thống đốc cho biết nhận xét về công tác chuẩn bị Hội nghị ADB đến thời điểm này?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Hội nghị và các nhà lãnh đạo ADB, đến nay công việc chuẩn bị về Hội nghị cơ bản đã khá tốt, kể cả về nội dung, việc đi lại, nơi ở của các đại biểu.
Đến thời điểm này có khoảng 3.600 đại biểu khách quốc tế và trong nước tham gia hội nghị. Số lượng đại biểu có thể nói là đông nhất so với các Hội nghị ADB trước. Các Bộ trưởng tài chính ngân hàng của các nước đều đăng ký tham dự.
Hội nghị cũng đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn, các ngân hàng, các tổ chức kinh tế, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.
Dự kiến, trong chương trình Hội nghị sẽ có khoảng 40 sự kiện, bao gồm phiên khai mạc, 02 phiên họp toàn thể, các cuộc hội thảo, các cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và các phiên họp nhóm giữa các đoàn đại biểu các nước,
Đặc biệt, Việt Nam đề xuất có một Ngày Việt Nam, đây cũng là một sáng kiến mới đưa vào Hội nghị thường niên để Việt Nam cũng có cơ hội gặp gỡ các đối tác quốc tế, giới thiệu tiềm năng đất nước con người Việt Nam, nền văn hóa của Việt Nam. Có thể nói đây cũng là cơ hội của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
ADB vẫn tiếp tục viện trợ Việt Nam
Xin Thống đốc cho biết kết quả mà ADB đã viện trợ cho Việt Nam trong thời gian qua và Việt Nam được thụ hưởng như thế nào?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Trong suốt thời gian từ khi Việt Nam nối lại quan hệ với ADB từ năm 1993 đến nay, ADB đã rất quan tâm đến Việt Nam. Đến thời điểm này ADB phê duyệt 114 khoản vay cho Chính phủ Việt Nam trị giá gần 10 tỷ USD, trong đó, các dự án đã ký kết khoảng 6 tỷ USD.
Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam-ADB ngày càng được duy trì, củng cố và phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB, sau Bangladesh và Pakistan.
Có thể nói, sự giúp đỡ quý báu từ ADB có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, phát triển năng lượng, y tế, giáo dục , đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tôi rất khâm phục các nhà lãnh đạo ADB vì họ rất nắm rất sâu, rất kỹ các chính sách của Việt Nam, cách ứng xử với chính sách của Việt Nam, các khuyến nghị của ADB rất thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam đã chính thức trở thành một nước có mức thu nhập trung bình thấp, vậy thì các hình thức tài trợ của ADB đối với Việt Nam có gì thay đổi không?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Đến nay Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thì đương nhiên ADB cũng sẽ có định hướng, nhưng cam kết trong những năm tới ADB sẽ thu xếp vốn cho Việt Nam khoảng 1,3 tỷ USD, đồng thời ADB dự kiến trao đổi với Việt Nam đưa vào một số lĩnh vực khác như hợp tác công tư, tăng vốn đầu tư thông qua bảo lãnh.
Những chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới, mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7-8%. Việt Nam tập trung vào 3 khâu đột phá rất quan trọng là nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế kể cả chiều sâu và chiều rộng, đặc biệt Việt Nam muốn phát triển nhanh, bền vững thì Việt Nam phải phát triển tốt cơ sở hạ tầng.
ADB đối với Việt Nam rất tốt, nhưng ngược lại Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết với ADB, đặc biệt khi tiếp nhận nguồn vốn, Việt Nam đã triển khai rất tích cực và có hiệu quả. Đến nay, hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn khoảng 9,9%, tất nhiên đây có sự nỗ lực của người dân, của Chính phủ và cả cộng đồng kinh tế khác.
Nghị quyết 11 đã phát huy hiệu quả
Xin Thống đốc cho biết những kết quả bước đầu của việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ trong ngành ngân hàng?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đến thời điểm này theo tôi là khá tốt. Trong thời gian qua, những diễn biến khủng hoảng cũ chưa qua thì những diễn biến mới lại xuất hiện, diễn biến rất phúc tạp, ngay từ cuối tháng 2 năm 2010 thì ở Việt Nam có xuất hiện cùng với những tác động từ bên ngoài và những nội lực của nền kinh tế bên trong như bội chi ngân sách cao, nhập siêu lớn, hiệu quả đầu tư, lạm phát.... Chính vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với 6 nhóm giải pháp.
Đến nay đối với chính sách tiền tệ, qua hơn 2 tháng triển khai, khả năng theo kịch bản của Ngân hàng Nhà nước đưa ra diễn biến rất thuận lợi, ví dụ như dư nợ năm dưới 20% thì đến thời điểm này thực hiện rất tốt. Đến ngày 7/4, dư nợ chỉ tăng 5,63%, đây là mục tiêu lớn nhất.
Các thị trường khác như ngoại tệ, ngoại hối và vàng đến nay diễn biến rất thuận lợi, nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng Trung ương. Với sự nỗ lực chủ quan của ngành ngân hàng và cả sự đồng thuận của hệ thống chính trị nữa đang đi những bước đi vừa thận trọng lại vừa đúng hướng.
Việt Nam cũng như nhiều nước ở châu Á hiện đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, vậy xin Thống đốc cho biết Chính phủ đã làm gì để kiểm soát lạm phát trong thời gian qua?
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Lạm phát cao không phải chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước mới nổi, nhiều nước đã tăng từ 80% - 100%. Việt Nam đã thực hiện mọi nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Trong Nghị quyết 11 nêu rất rõ, tập trung ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Ở đây nói lên quyết tâm của Chính phủ là phải thực hiện kiềm chế lạm phát. Tất nhiên chính sách thường có độ trễ nhất định, chúng ta mới triển khai được vài tháng thì hiệu quả sẽ phải diễn ra trong thời gian tới chứ không thể có hiệu quả tốt đẹp ngay tức thì.
Lạm phát hiện nay xuất hiện không phải là mới, vì đã nằm trong vùng dự báo của các quốc gia, nhưng gần đây, người ta cho rằng sự phát triển nóng của các nước mới nổi làm mất cân đối. Theo tôi, có nhiều yếu tố khác. Ngoài chuyện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta chưa phục hồi được đà tăng trưởng trước đó ở các quốc gia kể cả Việt Nam.
Mặc dầu trong 3 năm qua Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã phát triển khá tốt. Năm 2008 lạm phát cao nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,51%; năm 2009 cực kỳ khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì được 5,32%, trong khi các nước tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Năm 2010, Việt Nam đã bước vào đà phục hồi tăng trưởng với 6,78%, nhưng diễn biến của thế giới đã tác động rất mạnh vào Việt Nam, như giá xăng dầu tăng, lương thực tăng 36%. Tăng giá lương thực Việt Nam rất có lợi vì Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng rất khó khăn. Cái quan trọng của Việt Nam là chúng tôi rất quyết tâm kiểm soát lạm phát thông qua Nghị quyết 11 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thông báo đã cắt giảm đầu tư công 97.000 tỷ đồng.
Nghị quyết 11 đã nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB, WB, họ cho rằng Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của lạm phát và ra được những chính sách rất kịp thời và tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô./.