Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất mức hưởng BHXH một lần giảm còn 1 tháng lương: Cần thêm những giải pháp để tạo sự đồng thuận

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó đề xuất người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần chỉ được hưởng 1 tháng lương/năm, trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng NLĐ phải đóng BHXH thêm 1%/tháng lương... Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện khoa học BHXH về những vấn đề “nóng” này.

 
Rút một lần hay lựa chọn giải pháp khác bền vững hơn?
Thưa ông, Bộ LĐTB&XH đề xuất NLĐ rút BHXH một lần được hưởng 1 tháng lương/năm, thay vì 1,5 – 2 tháng như hiện nay. Đề xuất này có là giải pháp triệt để ngăn NLĐ không rút BHXH 1 lần?

- Đây là giải pháp hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Thực ra, khi ban hành Luật BHXH 2014 đã có những ý kiến trái chiều về Điều 60; từ năm 2015 chúng tôi đã đề xuất “về vấn đề BHXH một lần ở Việt Nam” trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và quốc gia có truyền thống lâu đời về bảo hiểm hưu trí như CHLB Đức từ năm 1889. Ở những nước này người ta xác định: Cùng với yếu tố sức khỏe, lương hưu cho người làm công ăn lương là cơ sở sống trực tiếp cho tuổi già. Vì vậy, việc chi trả BHXH một lần cho khoảng thời gian đóng góp ngắn là không quy định. Ngoại trừ trường hợp NLĐ nước ngoài có thời gian lưu trú ngắn hạn và muốn nhận BHXH một lần để về nước nhưng họ chỉ được nhận phần do chính họ đã đóng góp.

Ở nước ta, mức đóng của NLĐ là 8%/tháng và 8 x 12 tháng = 96% năm, gần bằng 1 tháng lương. Như vậy đề xuất mỗi năm đóng BHXH nhận được 1 tháng lương là hợp lý, phù hợp với logic chung của các nước trên thế giới và đề xuất này cho đến nay mới được áp dụng. Một nghiên cứu khác cho thấy, những NLĐ trong độ tuổi mà luôn khó khăn, chật vật trong cuộc sống thì cũng khó có khả năng cải thiện đời sống khi tuổi già, nhất là lại không có lương hưu. Do vậy, NLĐ cần có sự cân nhắc và lựa chọn có nên nhận BHXH một lần hay không? Còn về lâu dài, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại, chỉ giải quyết khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nhưng Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần xuống 1 tháng lương/năm sẽ thiệt cho NLĐ, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Việc đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần xuống bằng 1 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH mặc dù đúng về lý, nhưng cũng không khỏi phiền toái về tình. Vì vậy cần phải làm tốt công tác truyền thông để NLĐ hiểu đúng và cân nhắc trước khi quyết định. Một khoản trợ cấp BHXH một lần “khiêm tốn” liệu có giải quyết triệt để những khó khăn trong đời sống thường ngày? Hay lựa chọn giải pháp khác, bền vững hơn để duy trì cuộc sống trước mắt mà vẫn giữ được nguồn hy vọng về cuộc sống ổn định trong tương lai?.
Làm thủ tục hành chính tại Trung tâm việc làm Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng
Đóng BHXH tăng thêm 1% tháng lương cần sự đồng thuận

Với đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu là 15 năm, tăng mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng có là giải pháp tối ưu thu hút NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH?

- Trước hết, việc nhà nước nâng mức hỗ trợ lên 30% cũng là một giải pháp thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Điều cần chú ý là nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện. Thực tế nhiều năm qua, có những địa phương, ngân sách tỉnh sẵn sàng hỗ trợ mệnh giá thẻ BHYT tới 70%, 80% cho những hộ cận nghèo nhưng người dân vẫn không mặn mà đóng góp 20%, 30% còn lại. Vì vậy phải để cho người dân hiểu biết và thấy thật sự cần phải có lương hưu khi tuổi già thì họ sẽ tự nguyện tham gia. Mặt khác, cũng phải thay đổi được tập quán văn hóa lâu đời là sự chăm sóc, bảo vệ luôn thu hẹp trong phạm vi gia đình, họ mạc… bằng sự bảo đảm đầy đủ, kịp thời và thiết thực của xã hội, bằng pháp luật, nhất là đối với người già. Khi đó, người nọ sẽ theo gương người kia, rủ nhau tự nguyện cùng tham gia BHXH.

Tiếp đến, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm để được hưởng lương hưu cũng là một giải pháp để tạo cơ hội cho những NLĐ có thời gian đóng BHXH thấp được nhận lương hưu. Như vậy, chúng ta đang từng bước tiếp cận với phương thức linh hoạt trong chính sách hưu trí như nhiều quốc gia khác, ví dụ CHLB Đức, thời gian đóng tối thiểu là 5 năm được hưởng lương hưu nhưng với điều kiện tiên quyết là phải đủ tuổi nghỉ hưu. Trong cuộc đời lao động của mỗi người, không phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió” để có việc làm liên tục và tham gia BHXH liên tục mà sẽ có những giai đoạn ngừng, nghỉ, ngắt quãng, thất nghiệp… hoặc chuyển đổi từ làm công ăn lương sang tự hành nghề hoặc đan xen nhau. Vì vậy, việc giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu là nhằm gắn chính sách với thực trạng đời sống lao động của mọi người và làm cho Luật BHXH dễ đi vào đời sống xã hội một cách sâu, rộng hơn.

Trong hồ sơ xây dựng Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH còn đề xuất bổ sung chế độ thai sản đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện; trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng NLĐ phải đóng BHXH thêm 1%/tháng lương, khiến không ít người băn khoăn?

- Lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh là đề xuất này rất thiết thực và có ý nghĩa, nhất là đối với phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ. Nó cũng hàm ý như là một khoản tiền chào đón khi một đứa trẻ ra đời như nhiều nước đang thực hiện.

Việc đề xuất trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi là một ý tưởng rất tốt đẹp nhằm tăng thêm các quyền lợi xã hội ngoài khoản tiền nhà nước đã đóng BHYT. Tuy nhiên việc tăng thêm mức đóng 1% cần phải được sự đồng thuận của toàn xã hội và cũng phải xem xét đến bài toán cân đối quỹ.

Xin cảm ơn ông!