Các nghiên cứu này dựa trên kết quả của cuộc điều tra “Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” - một cuộc điều tra diện rộng đã được thực hiện vào các năm 2002, 2006, 2008, 2010, và gần đây nhất là 2012.
Cuộc điều tra thu thập được lượng lớn các thông tin kinh tế - xã hội, từ các vấn đề tiết kiệm và thu nhập đến sở hữu đất đai và di cư, qua thực hiện phỏng vấn trên 3.700 hộ gia đình ở khu vực nông thôn các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đăc Lắc, Đắc Nông, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.
Bốn nghiên cứu này cung cấp các phân tích chuyên sâu để hỗ trợ Chính phủ trong việc hoạch định chính sách, với các chủ đề cụ thể: Những thay đổi về phúc lợi hộ gia đình theo thời gian, các tác động của đa dạng hóa kinh tế đối với phúc lợi hộ gia đình, đo lường mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân nông thôn, và tác động của di cư đối với các hộ gia đình và cộng đồng.
Nhìn tổng thể, phúc lợi hộ gia đình (theo một số định nghĩa khác nhau) đã được nâng cao, tuy nhiên ngay cả ở các tỉnh được coi là “thành công”, mức độ phúc lợi của nhiều hộ gia đình vẫn chưa được cải thiện. Đáng chú ý, mức độ phúc lợi bình quân của tỉnh Lào Cai đang bị giảm xuống, bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng. Các nhà phân tích cũng nhận thấy có cải thiện đáng kể về phúc lợi ở các hộ gia đình có khả năng mở rộng kinh tế từ làm nghề nông đơn thuần sang các hoạt động khác, như làm công ăn lương hoặc sở hữu kinh doanh hộ gia đình.
Ngoài ra, phân tích các tiêu chuẩn đánh giá “mức độ hài lòng với cuộc sống” cho thấy, nhiều hộ gia đình nông thôn Việt Nam không hài lòng với cuộc sống do thu nhập tương đối thấp. Một trong những thay đổi quan trọng về hình thức tìm kiếm thu nhập của các hộ gia đình là di cư lao động: Trên 20% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết, có ít nhất một thành viên trong gia đình đã di cư đến nơi khác. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi này là để kiếm tiền giúp gia đình sau một biến cố bất ngờ như thiên tai, bão lụt. Các khoản tiền gửi về quê của lao động di cư trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình và dự kiến xu hướng này sẽ còn gia tăng.
Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế ở Việt Nam chứa đựng nhiều sắc thái hơn so với những gì mà con số tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình thể hiện. Nhiều hộ gia đình không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này, và vẫn còn sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh, các dân tộc và các nhóm hộ gia đình.
Những thông điệp chính sách quan trọng mà các nghiên cứu này đưa ra là việc hỗ trợ tính đa dạng của phát triển kinh tế hộ gia đình sẽ giúp tăng phúc lợi xã hội và các chính sách cần hướng đến các nhóm hộ gia đình và các khu vực địa lý cụ thể. Hơn nữa, hạnh phúc của người dân phụ thuộc nhiều vào thu nhập tương đối của họ cho thấy, việc giải quyết sự bất bình đẳng phải là mục tiêu của các chính sách kinh tế và xã hội. Cuối cùng, vấn đề tiền lương tăng và lợi ích của tiền gửi về cho gia đình từ lao động di cư cho thấy việc đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động chính là một thách thức chính sách quan trọng.
Ảnh minh họa.
|
Cuộc điều tra “Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” được thực hiện từ năm 2002 thông qua hợp tác của nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch), Viện Khoa học Lao động & Xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn). |