Đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép là không phù hợp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, các doanh nghiệp ngành thép không đồng tình với việc thành lập quỹ bình ổn giá thép. Nguyên nhân là do giá thép đang cao, giờ đóng tiền vào quỹ thì người tiêu dùng “gánh” hết bởi thép tiếp tục tăng giá...

Vận chuyển thép đến công trường xây dựng

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sản xuất thép, đã có ý kiến đề xuất nên thành lập Quỹ Bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp sản xuất thép.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật quản lý giá nhưng mặt hàng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật nên việc đề xuất xây dựng Quỹ Bình ổn giá thép không phù hợp. Theo ông Vũ Đình Ánh, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay, hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long nêu rõ, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là do Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu Trung Quốc tăng giá, chi phí vận tải cũng tăng vì vậy việc lập Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Quan trọng hơn cả đề xuất lập Quỹ bình ổn vừa phạm luật, vừa vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường, không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép trong thời gian qua.
“Đề xuất xây dựng Quỹ bình ổn giá thép đang tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường và bất lợi cho Việt Nam khi chúng ta đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA)” - ông Đào Phan Long nói.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, các doanh nghiệp ngành thép cũng phản đối việc thành lập quỹ bình ổn giá thép. Nguyên nhân là do giá thép đang cao, giờ đóng tiền vào quỹ thì người tiêu dùng “gánh” hết bởi thép tiếp tục tăng giá. Còn khi giá giảm dưới giá thành sản xuất, doanh nghiệp có được lấy kinh phí từ quỹ bù lỗ hoặc điều hành tăng không? Đặc biệt vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu; hiện các doanh nghiệp sản xuất thép đang hoạt động khá độc lập “mạnh ai nấy làm” nên có mức giá riêng vậy Bộ Công Thương, Tài chính lấy giá nào để tham chiếu xây dựng giá cần phải bình ổn giống như mặt hàng xăng dầu.