Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất thay thế quy định miễn học phí sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&DDT Phùng Xuân Nhạ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đồng thời, Quốc hội cũng nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về Dự Luật này.

Nhiều sửa đổi quan trọng

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, qua 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số quy định về chính sách đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay….

“Xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.
 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 03 điều mới; bãi bỏ 10 điều. Trong đó tập trung vào một số nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội,…

Trong đó, Dự Luật sửa đổi, bổ sung quy định về mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức thực nghiệm chương trình; hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa… để làm căn cứ quy định cụ thể tại văn bản dưới Luật. Dự Luật đã có nhiều sửa đổi quan trọng như quy định SGK gồm sách in và sách giáo khoa điện tử; mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.

Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với trường ngoài công lập, gồm chế độ tài chính, quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, nhằm khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

Sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này theo cơ quan soạn thảo là nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân cấp…

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Đồng thời đề xuất tên gọi là “Luật Giáo dục sửa đổi” để phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Về các nội dung cụ thể trong Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Ủy ban cho rằng việc sửa đổi, bổ sung về giáo dục phổ thông cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tổ chức thực hiện và cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành sách giáo khoa; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; cân nhắc sử dụng các tiêu chí “ổn định”, “linh hoạt” khi nói về thuộc tính của chương trình hay sách giáo khoa… Một số đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về mục tiêu, phương pháp giáo dục phổ thông hướng đến yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển tư duy phản biện cho học sinh…

Đa số đồng tình bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm

Về quy định liên quan đến người học, trong đó có chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết: Đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí. Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

“Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm. Bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới”- Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ quan thẩm tra cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Trong đó, đối với chính sách lương của nhà giáo, cơ quan thẩm tra đề nghị bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương.

“Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung và làm rõ hơn trong Dự thảo Luật các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng”- Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.

Băn khoăn nâng trình độ giáo viên tiểu học lên bậc Đại học

Liên quan đến việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong Dự thảo Luật, theo quan điểm của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo. Đối với giáo viên tiểu học, nhiều ý kiến trong Ủy ban vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục. Trong sự đổi mới đó, tự chủ của cơ sở giáo dục cần được hiểu là một quyền tự thân, là một chính sách quản lý, một công cụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường, giúp nâng cao trách nhiệm của nhà trường trước cơ quan quản lý nhà nước, trước cộng đồng xã hội và trước người học. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quyền tự chủ của cơ sở giáo dục phù hợp với tính chất, mô hình, trình độ phát triển và năng lực tự chủ; phù hợp với từng cấp, bậc học và trình độ đào tạo. Mặt khác, cần tiếp tục luật hóa các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và mối liên hệ của chủ đầu tư với các thiết chế trong nhà trường và các bên liên quan.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề, trong đó có giáo dục mầm non, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tăng khả năng tiếp cận giáo dục mầm non đối với trẻ em vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, khu công nghiệp…. Quy định rõ về chính sách cơ bản của Nhà nước, của xã hội đối với giáo dục mầm non, trong đó có giáo viên mầm non….

Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều ngày 30/5, trước khi thảo luận tại hội trường.